- 1. Tạm trú là gì? Vì sao phải đăng ký tạm trú
- 2. Khi nào phải đăng ký tạm trú?
- 3. Thủ tục đăng ký tạm trú mới nhất năm 2021
- 4. Thời hạn giải quyết và lệ phí đăng ký tạm trú
- 5. Không đăng ký tạm trú phạt bao nhiêu?
- 6. Khi nào công an được kiểm tra cư trú?
- 7. Phân biệt cư trú, thường trú, tạm trú, lưu trú
- 8. Khác biệt giữa sổ tạm trú KT2, KT3, KT4
Từ ngày 01/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực. Thủ tục và điều kiện đăng ký tạm trú có một số thay đổi. Quý khách hàng có thể tham khảo điều kiện đăng ký tạm trú từ 01/7/2021 mới nhất tại đây.
1. Tạm trú là gì? Vì sao phải đăng ký tạm trú
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. Có thể hiểu đây là nơi sinh sống tạm thời, có thời hạn ngoài nơi thường trú của công dân.
Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp Sổ tạm trú (khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú năm 2006).
Việc đăng ký tạm trú sẽ giúp cơ quan Nhà nước quản lý công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Đồng thời, việc đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của công dân để thực hiện một số thủ tục thuận tiện hơn. Điển hình như việc mua nhà, đầu tư bất động sản, đăng ký sở hữu xe máy, ô tô, đăng ký kinh doanh, cho con đi học, vay vốn, huy động vốn từ ngân hàng…
Do đó, đăng ký tạm trú không chỉ có ý nghĩa với cơ quan Nhà nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của công dân.
2. Khi nào phải đăng ký tạm trú?
Theo khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú 2006, người đang sinh sống, làm việc, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại công an xã, phường, thị trấn.
Trường hợp đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, học tập tại nơi đã đăng ký tạm trú thì người đó sẽ bị xóa tên trong sổ đăng ký tạm trú.
Phải thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú trong thời hạn 30 ngày từ khi chuyển đến (Ảnh minh họa)
3. Thủ tục đăng ký tạm trú trước 01/7/2021
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký tạm trú
Hồ sơ tiến hành thủ tục đăng ký tạm trú trước 01/7/2021 gồm:
– Bản khai nhân khẩu (mẫu HK01);
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02);
– Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở).
Trường hợp thuê, mượn, ở nhờ chỗ ở hợp pháp thì khi đăng ký tạm trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký tạm trú của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ tại phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.
– Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đăng ký thường trú.
Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú:
Theo Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP, giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú là một trong những giấy tờ sau:
* Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu:
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
– Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở (đã có nhà ở trên đất đó);
– Giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
– Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
– Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
– Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã;
– Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;
– Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
– Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
– Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở.
* Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp:
– Văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân (trường hợp văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã).
– Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố trực thuộc trung ương phải có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố trực thuộc trung ương và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý băng văn bản;
* Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ để chứng minh về chỗ ở hợp pháp theo quy định.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký tạm trú
Công dân đến nộp hồ sơ tại Công an xã, phường, thị trấn nơi tạm trú. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với các quy định của pháp luật về cư trú:
– Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.
– Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ.
– Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.
Bước 3: Nhận kết quả đăng ký tạm trú
– Trường hợp được giải quyết đăng ký tạm trú: Nộp lệ phí và nhận Sổ tạm trú.
Lưu ý: Kiểm tra lại các thông tin được ghi trong sổ tạm trú và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận kết quả).
– Trường hợp không giải quyết đăng ký tạm trú: Nhận lại hồ sơ đã nộp; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ; nhận văn bản về việc không giải quyết đăng ký tạm trú và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.
4. Thời hạn giải quyết và lệ phí đăng ký tạm trú
Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ công dân sẽ được đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú.
Lệ phí đăng ký tạm trú:
Theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC).
5. Không đăng ký tạm trú phạt bao nhiêu?
Không đăng ký tạm trú phạt bao nhiêu (Ảnh minh họa)
Theo quy định Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú sẽ bị phạt như sau:
– Phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng: Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú;
– Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng: Tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú;
– Phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng: Khai man, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được đăng ký thường trú, tạm trú, cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú; Cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó…
Theo đó, cá nhân, chủ hộ gia đình không đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng.
Xem thêm: Không đăng ký tạm trú, chủ trọ hay người thuê trọ bị phạt?
6. Khi nào công an được kiểm tra cư trú?
Khoản 1 Điều 26 Thông tư 35/2014/TT-BCA, việc kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.
Theo đó, đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.
Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm:
– Kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú;
– Quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.
Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý.
Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.
Việc kiểm tra cư trú của công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.
Như vậy, có thể hiểu cảnh sát khu vực được quyền kiểm tra cư trú bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, khi tiến hành hoạt động kiểm tra cư trú, lực lượng công an phải sử dụng đúng trang phục, phương tiện được trang bị, trừ trường hợp có quy định khác.
Khi nào công an được kiểm tra cư trú (Ảnh minh họa)
7. Phân biệt cư trú, thường trú, tạm trú, lưu trú
Khái niệm |
Cư trú là chỗ ở hợp pháp mà công dân thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
|
||
Thường trú |
Tạm trú |
Lưu trú |
|
Là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú |
Là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú |
Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú
|
|
Thời hạn cư trú |
Không có thời hạn |
Có thời hạn |
Có thời hạn |
Nơi đăng ký thời hạn cư trú |
Tại công an quận, huyện, thị xã đối với thành phố trực thuộc trung ương hoặc tại công an xã, thị trấn thuộc huyện, công an thị xã đối với thành phố thuộc tỉnh và được cấp sổ hộ khẩu. |
Tại công an xã, phường, thị trấn và được cấp sổ tạm trú. |
Tại công an xã, phường, thị trấn |
Điều kiện đăng ký |
Đăng ký thường trú tại tỉnh: – Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Đăng ký thường trú tại Thành phố trực thuộc trung ương: Đáp ứng một trong các trường hợp sau: – Có chỗ ở hợp pháp – Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình – Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp; – Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình… |
Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn. |
Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau. Trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần |
Kết quả đăng ký |
Được cấp Sổ hộ khẩu hoặc nhập tên vào Sổ hộ khẩu |
Được cấp Sổ tạm trú hoặc nhập tên vào Sổ tạm trú |
Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú |
Xem thêm: Phân biệt “nơi cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi tạm trú”
8. Khác biệt giữa sổ tạm trú KT2, KT3, KT4
Phân biệt sổ tạm trú KT2, KT3, KT4 (Ảnh minh họa)
Theo khoản 1 Điều 17 Thông tư 35/2014/TT-BCA, sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là 24 tháng.
KT2: Sổ tạm trú dài hạn cấp cho công dân có hộ khẩu thường trú ở quận, huyện nhưng tạm trú ở quận, huyện khác trong phạm vi cùng tỉnh.
KT3: Sổ tạm trú dài hạn cấp cho công dân ở tỉnh khác đến tạm trú, có thời hạn tạm trú từ 6 tháng – tối đa 24 tháng.
KT4: Sổ tạm trú ngắn hạn cấp cho công dân là người đến du lịch, đi chơi, thăm viếng trong thời gian ngắn dưới 6 tháng.
Tuy nhiên, KT2, KT3, KT4 là cách mà người dân thường gọi trước khi Luật Cư trú 2006 ra đời. Hiện nay sẽ chỉ còn Sổ tạm trú cấp cho người đăng ký tạm trú, thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá 24 tháng. Hết thời hạn nếu vẫn tiếp tục tạm trú sẽ được gia hạn.
Xem thêm: Bạn biết gì về KT1, KT2, KT3 và KT4?
9. 5 trường hợp bị xóa đăng ký tạm trú
Công an xã, phường, thị trấn nơi có người đăng ký tạm trú phải xóa tên của họ trong sổ đăng ký tạm trú trong các trường hợp sau:
– Người đã đăng ký tạm trú nhưng chết, mất tích.
– Người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại địa phương đã đăng ký tạm trú từ 06 (sáu) tháng trở lên.
– Người đã đăng ký tạm trú nhưng hết thời hạn tạm trú từ 30 (ba mươi) ngày trở lên mà không đến cơ quan Công an nơi đăng ký tạm trú để làm thủ tục gia hạn tạm trú.
– Người đã đăng ký tạm trú mà được đăng ký thường trú.
– Người đã đăng ký tạm trú nhưng bị cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy đăng ký tạm trú
Về nguyên tắc, mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú ở một nơi.
Căn cứ: Điều 19 Thông tư 35/2014/TT-BCA
Trên đây là 8 điểm cần lưu ý khi thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú do LuatVietnam tổng hợp, Quý khách có nhu cầu tham khảo các bài viết liên quan về CƯ TRÚ xem thêm tại đây.