Thủ tục ghi chú ly hôn thực hiện thế nào? Update 11/2024

Muốn được công nhận việc ly hôn có yếu tố nước ngoài, một trong những thủ tục quan trọng không thể thiếu là ghi chú ly hôn. Vậy thủ tục này thực hiện thế nào?

1. Trường hợp nào phải ghi chú ly hôn?

Ghi chú ly hôn hay còn gọi là ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài. Theo khoản 2 Điều 37 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn được quy định như sau:

Công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài, sau đó về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì phải ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy kết hôn đã được giải quyết ở nước ngoài (sau đây gọi là ghi chú ly hôn).

Theo quy định này, khi công dân Việt Nam về nước thường trú và trước đó đã ly hôn ở nước ngoài nếu muốn đăng ký kết hôn với người khác tại Việt Nam thì phải ghi chú ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền.

Trong đó, điều kiện để được ghi chú ly hôn là bản án, quyết định ly hôn, văn bản thỏa thuận ly hôn đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, không bi phạm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Lưu ý: Chỉ ghi chú ly hôn với trường hợp ly hôn gần nhất.

2. Ghi chú ly hôn cần chuẩn bị gì?

Hồ sơ ghi chú ly hôn được nêu tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 123 năm 2015 gồm:

– Tờ khai (theo mẫu).

– Giấy tờ ly hôn đã có hiệu lực pháp luật. Trong đó, giấy tờ ly hôn bao gồm:

+ Bản án, quyết định ly hôn, hủy kết hôn;

+ Văn bản thỏa thuận ly hôn đã có hiệu lực pháp luật;

+ Giấy tờ khác công nhận việc ly hôn của công dân Việt Nam do cơ quan nước ngoài cấp hợp pháp.

3. Ghi chú ly hôn ở xã hay huyện?

Về cơ quan thực hiện ghi chú ly hôn, khoản 2 Điều 48 Luật Hộ tịch quy định:

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cá nhân đã đăng ký kết hôn hoặc ghi chú việc kết hôn trước đây ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của cá nhân đã thực hiện ở nước ngoài.

Theo quy định này, công dân có thể đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện nơi từng đăng ký kết hôn/ghi chú kết hôn trước đây để thực hiện thủ tục ghi chú ly hôn đã thực hiện ở nước ngoài.

Để hướng dẫn cụ thể, Điều 38 Nghị định 123/2015 quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết gồm:

– UBND cấp huyện nơi đã đăng ký kết hôn hoặc ghi chú việc kết hôn trước đây. Nếu thủ tục này trước đây thực hiện ở Sở Tư pháp thì sẽ ghi chú tại UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.

– UBND cấp huyện cấp trên của UBND cấp xã trước đây đã đăng ký kết hôn.

– UBND cấp huyện nơi công dân Việt Nam đã cư trú trước khi xuất cảnh (nếu hiện tại, công dân Việt Nam không thường trú trong nước).

– UBND cấp huyện nơi công dân thường trú nếu từ nước ngoài về thường trú tại Việt Nam mà việc kết hôn  trước đây đã đăng ký tại cơ quan đại diện/cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

– UBND cấp huyện nơi tiếp nhận hồ sơ kết hôn mới nếu công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có yêu cầu ghi chú việc ly hôn mà trước đây việc kết hôn được đăng ký tại cơ quan đại diện/cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

4. Thời gian thực hiện ghi chú kết hôn là bao lâu?

Quy trình, thời gian thực hiện ghi chú kết hôn được Chính phủ đề cập đến tại khoản 2 Điều 39 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

– 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Hồ sơ sẽ được công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra. Chủ tịch UBND huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu nếu việc ghi chú ly hôn đáp ứng điều kiện sau:

+ Không vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

+ Không phải đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

– Không quá 10 ngày làm việc: Nếu cần xác minh việc ghi chú ly hôn.

Riêng trường hợp phải đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp sẽ báo cáo để Chủ tịch UBND cấp huyện từ chối yêu cầu.

 

5. Ghi chú ly hôn mất bao nhiêu tiền?

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan quy định lệ phí ghi chú ly hôn theo tình hình thực tế của từng địa phương (căn cứ khoản 3 Điều 3 và điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư số 85/2019/TT-BTC).

Do đó, mức tiền công dân phải nộp để ghi chú ly hôn ở mỗi tỉnh, thành trên cả nước sẽ khác nhau.

 

6. Mẫu Tờ khai ghi chú ly hôn mới nhất

Tờ khai ghi chú ly hôn được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP. Dưới đây là chi tiết biểu mẫu này:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TỜ KHAI GHI CHÚ LY HÔN

Kính gửi:…………………………………………………………………………………………………..

Họ, chữ đệm, tên người yêu cầu:  ……………………………………………………………………..

Nơi cư trú:…………………………………………………………………………………………………

Giấy tờ tùy thân: ………………………………………………………………………………………..

Quan hệ với người được ghi chú: ……………………………………………………………………..

Đề nghị ghi vào sổ hộ tịch việc………………………….. đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho người dưới đây:

Họ, chữ đệm, tên: …………………………………………………………………………………………..

Ngày, tháng, năm sinh: …………………………………………………………………………………..

Giới tính:………………….. Dân tộc:…………………………Quốc tịch: …………………………..

Giấy tờ tùy thân: ………………………………………………………………………………………

Nơi cư trú hiện nay: …………………………………………………………………………………..

Nơi cư trú trước khi xuất cảnh: …………………………………………………………………………

Nơi đăng ký kết hôn trước đây:………………………………………………………………………..

Đã ………………………………………………… với ông/bà:

Họ, chữ đệm tên: ……………………………………………………………………………………………

Ngày, tháng, năm sinh: ……………………………………………………………………………………

Giới tính: …………………………. Dân tộc:…………………………….Quốc tịch: …………………

Giấy tờ tùy thân:………………………………………………………………………………………..

Theo………………………………………………………………………………………………………..

số………………………………………………………………..do…………………………………………
cấp ngày……….. tháng …….. năm ……

Tôi cam đoan những nội dung khai trên đây là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam đoan của mình.

Làm tại: …………………, ngày ……. tháng ……. năm ……..

Đề nghị cấp bản sao: Có   Không                         NGƯỜI YÊU CẦU

Số lượng:…….bản                                         (Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên)

Trên đây là chi tiết thủ tục ghi chú ly hôn theo quy định mới nhất. Nếu còn thắc mắc về việc ly hôn, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp hoặc tham khảo bài viết thủ tục ly hôn mới nhất.