Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng
Theo khoản 1 Điều 19 Thông tư 219/2013/TT-BTC các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ;
– Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền,
– Có con dấu theo đúng quy định của pháp luật,
– Lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;
– Có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.
Xem các trường hợp được hoàn thuế GTGT tại đây.
Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng
Căn cứ Thông tư 156/2013/TT-BTC, hoàn thuế GTGT được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế
Hồ sơ hoàn thuế gồm:
– Giấy đề nghị hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước theo Mẫu 01/ĐNHT (ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC),
– Các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế (với mỗi trường hợp được hoàn thuế GTGT là khác nhau).
Ví dụ:
Hoàn thuế GTGT với hàng xuất khẩu thì cần có: Hợp đồng mua bán, gia công, tờ khai hải quan, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…
Hoàn thuế GTGT với dự án đầu tư:
Ngoài giấy đề nghị, thì chủ đầu tư cần chuẩn bị:
+ Tờ khai thuế GTGT dành cho dự án đầu tư theo Mẫu số 02/GTGT;
+ Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào theo Mẫu số 01-2/GTGT.
Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng 2021 (Ảnh minh họa)
Bước 2: Nộp hồ sơ hoàn thuế
Hồ sơ hoàn thuế được nộp một bộ tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc tại cơ quan hải quan có thẩm quyền hoàn thuế. Người nộp thuế được gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính.
Bước 3: Xử lý yêu cầu hoàn thuế GTGT
Khoản 1 Điều 59 Thông tư 156/2013/TT-BTC, Cục Thuế căn cứ Quyết định hoàn thuế, lập Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước; căn cứ Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước, lập Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước gửi Kho bạc nhà nước đồng cấp.
Thời hạn giải quyết hoàn thuế
Căn cứ Thông tư 99/2016/TT-BTC, thời hạn giải quyết yêu cầu hoàn thuế được chia thành 02 trường hợp:
– Đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau
+ Nếu hồ sơ hoàn thuế không thuộc đối tượng và trường hợp được hoàn hoặc chưa đủ thông tin để xác định thì cơ quan thuế gửi thông báo cho người nộp thuế trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
+ Nếu đủ điều kiện hoàn thuế thì cơ quan thuế ban hành quyết định hoàn thuế trong thời hạn không quá 06 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
– Đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau
Cơ quan thuế tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và ban hành quyết định hoàn thuế trong thời hạn không quá 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn thuế.
– Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh chi hoàn thuế cho người nộp chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước.
Như vậy, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện qua 03 bước. Trong đó, quan trọng nhất là tổ chức, cá nhân được hoàn thuế phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Xem thêm:
Thuế thu nhập doanh nghiệp: 7 điều doanh nghiệp không thể bỏ qua
Những trường hợp được hoàn thuế GTGT
Khắc Niệm