Thủ tục khởi kiện đòi nợ dân sự thực hiện như thế nào? Update 01/2025

Việc nợ khó đòi là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay. Vậy khi gặp trường hợp chây ì không chịu trả nợ thì phải khởi kiện thế nào để đòi được nợ?

Tòa chỉ giải quyết khởi kiện đòi nợ trong 3 năm?

Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Theo đó, nếu muốn khởi kiện đòi nợ thì phải trong thời hạn được phép khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nếu hết thời hạn đó thì sẽ mất quyền khởi kiện.

Về thời hiệu khởi kiện nếu có tranh chấp hợp đồng, Điều 429 Bộ luật này quy định là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu cần biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Việc vay nợ theo quy định của Điều 463 Bộ luật Dân sự là thỏa thuận giữa các bên. Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể hình thức của việc vay nợ nên có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể.

Dù vậy, vì vay nợ là sự thỏa thuận của các bên nên việc vay nợ dù được thể hiện bằng hình thức nào thì cũng là một dạng của hợp đồng vay tài sản. Do đó, vẫn áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là 03 năm kể từ ngày bên vay tiền không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng thỏa thuận với bên cho vay.

Không có giấy vay tiền, có đòi được nợ không?

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay về việc vay nợ, lãi suất cho vay…

Trong đó, pháp luật không quy định, hợp đồng vay tài sản phải thể hiện dưới hình thức văn bản nghĩa là các bên không nhất định phải lập giấy vay nợ hoặc hợp đồng vay bằng văn bản mà có thể bằng lời nói, hành vi cụ thể hoặc qua tin nhắn, mail…

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp việc vay tiền đều hợp pháp. Mặc dù có thể không cần thể hiện thông qua văn bản, giấy tờ nhưng thỏa thuận vay nợ bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực nêu tại Điều 117 Bộ luật Dân sự gồm:

– Do những người có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự thực hiện;

– Các bên vay và cho vay phải hoàn toàn tự nguyện;

– Mục đích và nội dung thỏa thuận vay nợ không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội, không bị lừa dối, không nhằm che giấu cho một giao dịch khác…

Như vậy, có thể thấy, nếu đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự thì việc thỏa thuận vay nợ giữa các bên dù không có giấy vay nợ thì vẫn hợp pháp và người cho vay trong trường hợp này hoàn toàn có thể đòi nợ người vay.


Làm sao để khởi kiện đòi nợ? (Ảnh minh họa)

 

Thủ tục khởi kiện đòi nợ thực hiện thế nào?

Khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì người đó có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện (Căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Theo đó, nếu một người cho người khác vay tiền nhưng đến hạn trả nợ thì người vay không trả, người cho vay có thể khởi kiện ra Tòa để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Hồ sơ cần chuẩn bị

Để thực hiện được việc khởi kiện đòi nợ, người cho vay phải gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Theo đó, hồ sơ cần nộp gồm:

– Đơn khởi kiện.

– Bản sao Hợp đồng vay tiền, Giấy vay tiền… (nếu có).

– Bản sao chứng thực Giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, Căn cước công dân, sổ hộ khẩu… của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…

– Các tài liệu, chứng cứ khác.

Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu khởi kiện

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

Đồng thời, theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật này, Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

Căn cứ các quy định trên, người cho vay nếu muốn khởi kiện đòi nợ thì có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú hoặc làm việc.

Lưu ý: Nơi cư trú là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Cách thức nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa

Khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự nêu rõ, các phương thức người cho vay có thể gửi đơn khởi kiện cùng tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền gồm:

– Nộp trực tiếp tại Tòa;

– Gửi theo đường dịch vụ bưu chính đến Tòa án;

– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án (căn cứ khoản 1 Điều 16 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP).

Thời gian giải quyết

Việc giải quyết đơn khởi kiện và yêu cầu khởi kiện đòi nợ được quy định tại các Điều từ 191 đến 220 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể:

– Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét đơn này trong thời gian 03 ngày làm việc.

– Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán sẽ đưa ra quyết định sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; thụ lý vụ án; chuyển cho đơn vị khác hoặc trả lại đơn khởi kiện.

– Sau khi đơn khởi kiện được tiếp nhận, xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền thì Thẩm phán sẽ thông báo cho người khởi kiện đến nộp tiền tạm ứng án phí (nếu có). Người này phải nộp trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy báo và nộp lại biên lai cho Tòa.

– Trong thời hạn 03 ngày, Thẩm phán thông báo về việc thụ lý vụ án.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

– Chuẩn bị xét xử trong thời gian 04 tháng. Trong thời gian này, Tòa sẽ tiến hành lập hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, hòa giải… Nếu vụ án phức tạp hoặc có tình tiết bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng.

– Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa sẽ mở phiên tòa.

Như vậy có thể thấy, nếu không có tình tiết phức tạp thì một vụ án khởi kiện đòi nợ có thể kéo dài trong khoảng 06 tháng; nếu phức tạp thì có thể kéo dài trong khoảng 08 tháng.

Phí, lệ phí khởi kiện

Khi khởi kiện đòi nợ nói riêng và khởi kiện nói chung, người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí và tùy vào kết quả sau khi xét xử để xác định người nào phải nộp án phí.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 326 năm 2016, khi đòi nợ thì vụ án dân sự thuộc trường hợp có giá ngạch. Do đó, căn cứ vào giá trị của tài sản vay nợ hoặc số tiền vay để xác định mức án phí phải nộp.

Cụ thể xem tại đây.


3 cách cộp đơn khởi kiện để đòi nợ đến Tòa án (Ảnh minh họa)

Đơn khởi kiện đòi nợ viết thế nào?

Khi thực hiện việc khởi kiện để đòi nợ, người cho vay phải làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án. Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đơn khởi kiện cần có các nội dung sau đây:

– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

– Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện.

– Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ.

– Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện. Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

– Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc của người này thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng;

– Yêu cầu đòi nợ.

– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Xem thêm…

Trên đây là quy định về thủ tục khởi kiện đòi nợ mới nhất. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> 10 điểm cần lưu ý khi khởi kiện mới nhất

>> 4 nguyên tắc cần nhớ trước khi cho người khác vay tiền