Trình tự, thủ tục cấp lại thẻ Căn cước công dân
Khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước công dân 2014 và Thông tư 11/2016/TT-BCA quy định thủ tục cấp lại thẻ Căn cước công dân như thủ tục cấp mới, các bước được thực hiện như sau:
– Bước 1: Điền vào Tờ khai theo mẫu quy định.
– Bước 2: Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu, kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân. Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị.
– Bước 3: Cán bộ cơ quan quản lý Căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục; Cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục.
– Bước 4: Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật này; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Hồ sơ cấp lại thẻ Căn cước công dân
– Tờ khai Căn cước công dân (Mẫu CC01);
– Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân (Mẫu CC02);
– Bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin (nếu có).
Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
Thời hạn cấp lại thẻ Căn cước công dân
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý Căn cước công dân phải cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:
– Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc;
– Tại thành phố, thị xã, các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc.
Nơi làm thủ tục cấp lại thẻ Căn cước công dân
Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp lại thẻ Căn cước công dân: Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.
Cơ quan quản lý Căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Lệ phí cấp lại thẻ Căn cước công dân
Điều 32 Luật Căn cước công dân 2014 quy định công dân phải nộp lệ phí khi cấp lại thẻ Căn cước công dân, trừ một số trường hợp được miễn lệ phí sau theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 331/2016/TT-BTC:
– Công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh;
– Công dân thường trú tại các xã biên giới; các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
– Công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Mức thu lệ phí theo quy định tại Điều 4 Thông tư 256/2016/TT-BTC là 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. Trường hợp công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo thì mức lệ phí cấp lại thẻ Căn cước công dân là 35.000 đồng/thẻ.
Xem thêm:
Một số điều cần biết về Thẻ Căn cước công dân
Ý nghĩa 12 chữ số trên thẻ Căn cước công dân
Có cần đính chính các loại giấy tờ khi đổi sang Căn cước công dân?
Chụp ảnh Chứng minh nhân dân có được trang điểm không?
Người chuyển giới có được thay đổi thông tin trên thẻ Căn cước?