1. Điều kiện, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận
* Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận
Khu đất của một người nằm trên nhiều đơn vị hành chính để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận) thì phải có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 100, Điều 101 Luật Đất đai 2013.
* Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.
– Nếu đề nghị cấp Giấy chứng nhận cho quyền sử dụng đất (không có nhà) phải có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất.
– Nếu đề nghị cấp Giấy chứng nhận cho cả nhà và đất thì ngoài giấy tờ về quyền sử dụng đất phải có thêm một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở quy định tại Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Lưu ý: Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng).
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Thủ tục làm Sổ đỏ khi đất thuộc nhiều xã, phường, thị trấn (Ảnh minh họa)
2. Hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận
Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu được áp dụng chung cho mọi thửa đất, nhà ở. Tuy nhiên, trường hợp khu đất của một người nằm trên nhiều đơn vị hành chính có thể khác về nơi nộp hồ sơ, số lượng Giấy chứng nhận được cấp, cụ thể:
Trường hợp 1: Khu đất thuộc phạm vi nhiều xã, phường, thị trấn nhưng cùng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Khoản 1 Điều 30 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:
“Trường hợp sử dụng đất thuộc phạm vi nhiều xã, phường, thị trấn nhưng cùng thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của một cơ quan thì cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất; trong đó phải xác định từng phần diện tích thuộc phạm vi từng đơn vị hành chính cấp xã”
Như vậy, nếu khu đất thuộc phạm vi nhiều xã, phường, thị trấn nhưng cùng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì hộ gia đình, cá nhân được cấp 01 Giấy chứng nhận cho toàn bộ khu đất.
Trường hợp 2: Khu đất thuộc phạm vi nhiều xã, phường, thị trấn nhưng khác huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Khoản 2 Điều 30 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:
“Trường hợp sử dụng đất thuộc phạm vi nhiều xã, phường, thị trấn thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan khác nhau thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo từng thửa đất thuộc thẩm quyền của từng cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”
Như vậy, nếu khu đất thuộc phạm vi nhiều xã, phường, thị trấn nhưng khác huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì hộ gia đình, cá nhân không được nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận một nơi.
Ví dụ: Ông X có 01 khu đất thuộc phạm vi xã A và xã B (xã A thuộc huyện C, xã B thuộc huyện D). Để được cấp Giấy chứng nhận thì ông X phải thực hiện theo quy định như sau:
– Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ cho thửa đất thuộc xã A, nộp hồ sơ tại UBND xã A hoặc tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ thuộc huyện C.
– Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ cho thửa đất thuộc xã B, nộp hồ sơ tại UBND xã B hoặc tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ thuộc huyện D.
Theo đó, dù ông X chỉ có một khu đất nhưng phải chuẩn bị 02 bộ hồ sơ, nộp tại 02 nơi khác nhau và được cấp 02 Giấy chứng nhận (01 giấy do UBND huyện C cấp, 01 giấy do UBND huyện D cấp).
Kết luận: Thủ tục làm Sổ đỏ khi đất thuộc nhiều xã, phường, thị trấn được áp dụng theo thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu, nhưng sẽ khác nơi nộp hồ sơ nếu khác thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận.