Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Năm nay, thủ tục thành lập công đoàn được tiến hành như thế nào?
Khoản 1 Điều 5 Luật Công đoàn 2012 quy định, người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
Theo đó, công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Có thể thấy, việc thành lập công đoàn hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của người lao động. Công ty không có nghĩa vụ thành lập công đoàn. Song, công ty phải tạo điều kiện, hỗ trợ người lao động thành lập công đoàn khi có mong muốn đồng thời thừa nhận và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động.
Như vậy, pháp luật khuyến khích việc thành lập công đoàn và đây không phải là nghĩa vụ hay trách nhiệm của công ty nên không có quy định xử phạt khi không thành lập công đoàn.
Thủ tục thành lập công đoàn (Ảnh minh họa)
Thủ tục thành lập công đoàn cơ sở
Bước 1: Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở (sau đây gọi tắt là Ban vận động):
+ Điều kiện thành lập Ban vận động: Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
+ Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động.
+ Ban vận động có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.
Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:
– Nội dung hội nghị gồm:
+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn (hoặc danh sách những người đã là đoàn viên công đoàn hiện đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp);
+ Tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
+ Thông qua chương trình hoạt động của Công đoàn cơ sở.
– Đối với việc bầu cử Ban chấp hành tại hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá 1/2 so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.
Bước 3: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Liên đoàn lao động cấp huyện, Công đoàn ngành) ra quyết định công nhận:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.
– Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận Ban chấp hành.
– Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.
Hậu Nguyễn