Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp mới thành lập cần thực hiện thủ tục thuế ban đầu để hoàn tất quá trình thành lập doanh nghiệp. Thủ tục thuế ban đầu đối với doanh nghiệp mới thành lập 2018 gồm:
1. Khai và nộp lệ phí môn bài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp mới thành lập cần khai và nộp lệ phí môn bài:
– Khai lệ phí môn bài một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;
– Trường hợp người nộp lệ phí mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế.
Thời hạn nộp tiền lệ phí môn bài khi mới ra hoạt động kinh doanh chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.
Hồ sơ khai thuế môn bài là Tờ khai lệ phí môn bài.
Sau khi đi vào hoạt động, hàng năm doanh nghiệp thực hiện nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.
2. Xác định phương pháp tính thuế giá trị gia tăng
Có hai phương pháp tính thuế GTGT: Phương pháp khấu trừ (sử dụng hoá đơn GTGT) và phương pháp trực tiếp (sử dụng hoá đơn bán hàng).
Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 93/2017/TT-BTC: Từ ngày 05/11/2017, việc xác định phương pháp tính thuế GTGT căn cứ theo Hồ sơ khai thuế GTGT do cơ sở kinh doanh gửi đến cơ quan thuế, cụ thể:
– Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.
– Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 03/GTGT, 04/GTGT đến cơ quan thuế.
Thủ tục thuế ban đầu đối với doanh nghiệp mới thành lập 2018 (Ảnh minh họa)
3. Thông báo về việc sử dụng dịch vụ đại lý thuế
Người nộp thuế sử dụng dịch vụ làm thủ tục về thuế thông qua Đại lý thuế thì thông báo cho Cơ quan thuế quản lý trực tiếp bằng văn bản kèm theo bản chụp hợp đồng dịch vụ có xác nhận của người nộp thuế chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi Đại lý thuế thực hiện lần đầu các công việc thủ tục về thuế nêu trong hợp đồng.
4. Đăng ký mã số thuế cá nhân
Doanh nghiệp có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân khi chi trả thu nhập tiền lương, tiền công cho người lao động và thực hiện việc đăng ký mã số thuế cho người lao động (nếu người lao động chưa có mã số thuế).
Cá nhân có phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền qua đơn vị chi trả thu nhập thực hiện thủ tục đăng ký thuế, đăng ký người phụ thuộc với cơ quan thuế.
Mẫu đăng ký:
+ Mẫu đăng ký mã số thuế cá nhân cho người lao động: 05-ĐK-TH-TCT (ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC)
+ Mẫu đăng ký mã số thuế cá nhân cho người phụ thuộc: 20-ĐK-TH-TCT (ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC)
5. Thông báo áp dụng phương pháp khấu hao tài sản cố định
Doanh nghiệp thực hiện đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản với cơ quan thuế.
Theo khoản 3 Điều 13 Thông tư 45/2013/TT-BTC, doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao tài sản cố định theo quy định tại Thông tư này và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.
Theo quy định trên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện khấu hao tài sản, những nội dung sau:
+ Phương pháp trích khấu hao của tài sản cố định;
+ Thời gian trích khấu hao của tài sản cố định.
Xem thêm:
Toàn bộ quy định cần biết về thuế giá trị gia tăng năm 2018
LuatVietnam