1. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là gì?
Theo khoản 14 Điều 3 Luật Đất đai hiện hành, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển
– Khi Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất ngoài việc được bồi thường (nếu đủ điều kiện được bồi thường) thì còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ.
– Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất gồm:
+ Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;
+ Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;
+ Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;
+ Hỗ trợ khác.
– Khi thu hồi đất, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi.
Xem thêm: Mức tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất 2019.
Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (Ảnh minh họa)
2 – Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất
Đối tượng được hỗ trợ:
Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất gồm 07 đối tượng, cụ thể:
– Đối tượng 1. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp
Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp khi thực hiện các Nghị định sau:
+ Nghị định 64/CP năm 1993 Bản quy định về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp (sửa đổi bởi Nghị định 85/1999/NĐ-CP).
+ Nghị định 02/CP năm 1994 Bản quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp;
+ Nghị định 163/1999/NĐ-CP về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp;
+ Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai.
Như vậy, đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất chỉ là những hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp…theo 05 Nghị định định trên.
– Đối tượng 2. Nhân khẩu nông nghiệp phát sinh
Nhân khẩu nông nghiệp trong hộ gia đình tại đối tượng 1 nhưng phát sinh sau thời điểm giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình đó;
(Nhân khẩu nông nghiệp là người trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ nông nghiệp – UBND cấp xã sẽ xác nhận nhân khẩu nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất để làm căn cứ hỗ trợ).
Ví dụ: Gia đình Ông A được Nhà nước giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP năm 1993, sau đó năm 1994 sinh được anh C, hiện tại anh C là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được xác định là nhân khẩu nông nghiệp phát sinh.
– Đối tượng 3. Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp
+ Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định tại đối tượng 1 đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho, khai hoang theo quy định của pháp luật,
+ Được UBND cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó;
– Đối tượng 4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất
+ Nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp;
– Đối tượng 5. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó;
– Đối tượng 6. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó;
– Đối tượng 7. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất.
Điều kiện để được hỗ trợ:
– Trường hợp 1. Đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất thuộc đối tượng được hỗ trợ thì phải:
+ Đã được cấp Sổ đỏ
+ Hoặc đủ điều kiện được cấp Sổ.
Trừ trường hợp: Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Sổ đỏ hoặc không đủ điều kiện cấp Sổ (khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai 2013).
– Trường hợp 2. Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất
Khi nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) thuộc đối tượng 4, 5, 7 thì phải có hợp đồng giao khoán sử dụng đất.
Mức hỗ trợ ổn định đời sống:
Đối tượng 1, 2, 3, 4 được hỗ trợ như sau:
– Khi thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ:
+ Hỗ trợ 06 tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở).
+ Hỗ trợ 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở;
+ Hỗ trợ tối đa là 24 tháng (khi di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn).
– Đối với trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ:
+ Hỗ trợ 12 tháng (nếu không phải di chuyển chỗ ở),
+ Hỗ trợ 24 tháng (nếu phải di chuyển chỗ ở),
+ Hỗ trợ tối đa 26 tháng năm (khi phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn).
Lưu ý: Mức hỗ trợ bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.
Ví dụ: Ông A bị thu hồi 80% diện tích đất nông nghiệp và phải di chuyển chỗ ở (giả sử 01 kg gạo giá là 12.000 đồng) thì mức tiền hỗ trợ Ông A nhận được là 8.640.000 đồng (12.000 đồng/kg gạo X 30kg trong 1 tháng) X 24 tháng.
Mức hỗ trợ ổn định sản xuất:
– Hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì được hỗ trợ ổn định sản xuất, bao gồm:
+ Hỗ trợ giống cây trồng,
+ Giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp,
+ Các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y,
+ Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,
+ Kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp.
– Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức cao nhất bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.
Ví dụ: Thu nhập của Công ty TNHH HN bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì hỗ trợ như sau:
Theo báo cáo tài chính của công ty:
+ Năm 2016: Thu nhập sau thuế là 900 triệu đồng,
+ Năm 2017: Thu nhập sau thuế là 1,4 tỷ đồng,
+ Năm 2018: Thu nhập sau thuế là 700 triệu đồng.
Thu nhập bình quân của 3 năm là 1,0 tỷ đồng.
Công ty TNHH HN được hỗ trợ với mức cao nhất là 300 triệu đồng.
Lưu ý: Mỗi tỉnh sẽ mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, định kỳ chi trả tiền hỗ trợ cho phù hợp với thực tế tại địa phương theo quyết định của UBND cấp tỉnh.
Phương án hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Ảnh minh họa)
3 – Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm
Không phải trường hợp nào khi thu hồi đất cũng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm việc việc làm. Theo điểm b khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai 2013 gồm 02 trường hợp:
Trường hợp 1: Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Đối tượng được hỗ trợ:
– Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Đối tượng 1, 2, 3) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền;
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (Đối trượng 4, 5, 6). Trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh, của công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp.
Mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm:
– Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi;
– Diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.
Lưu ý: Với mỗi địa phương thì mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương.
– Trường hợp người được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp 2: Thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở
– Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ mà nguồn thu nhập chính là từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh;
– Trường hợp người có đất thu hồi còn trong độ tuổi lao động thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.
4 – Hỗ trợ tái định cư
Theo Điều 22 Nghị định 47/2014/NĐ-CP hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở được thực hiện như sau:
– Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất.
– Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư.
(UBND cấp tỉnh căn cứ quy mô diện tích đất ở thu hồi, số nhân khẩu của hộ gia đình và điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho phù hợp).
Xem thêm: Nhà ở tái định cư là gì? Ai được ở nhà tái định cư?
5 – Hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất
Hỗ trợ người đang thuê nhà ở không thuộc sở hữu Nhà nước
– Hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở không phải là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Ví dụ: Ở TP. Hồ Chí Minh, hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản như sau:
+ Theo điểm a khoản 3 Điều 23 Quyết định 28/2018/QĐ-UBND: Khi hộ gia đình, cá nhân di chuyển chỗ ở cũ đến chỗ ở mới hoặc phải tháo dỡ toàn bộ nhà ở thì được hỗ trợ 10.000.000 đồng/hộ.
+ Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có các loại giấy tờ chứng minh được chuyển đến cư trú tại các tỉnh, thành phố khác thì được hỗ trợ 20.000.000 đồng/hộ (không phải nhà ở dạng lắp ghép, có thể tháo dỡ và lắp lại được).
Ngoài ra, trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt (Khoản 1 Điều 91 Luật Đất đai 2013).
Hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn
– Trường hợp đất thu hồi thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì được hỗ trợ; mức hỗ trợ cao nhất có thể bằng mức bồi thường
– Mức hỗ trợ cao nhất có thể bằng mức bồi thường, mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định;
– Tiền hỗ trợ được nộp vào ngân sách nhà nước và được đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của cấp xã; tiền hỗ trợ chỉ được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã.
Hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất
– Ngoài việc hỗ trợ trên, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi;
– Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường thì UBND cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương.
Trên đây là toàn bộ những quy định về các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Ngoài ra, để biết mức tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, bạn đọc hãy xem tại chuyên mục Thu hồi đất của LuatVietnam.
Khắc Niệm