Trông giữ xe có cần phải đăng ký kinh doanh không? Update 01/2025

Hiện nay, khi nhu cầu gửi xe ngày một tăng thì nhiều cá nhân tận dụng sân nhà, ngõ… của mình để lập điểm trông, giữ xe. Vậy các trường hợp đó có phải đăng ký kinh doanh không?

Câu hỏi:

Hiện nay, gia đình em đang nhận trông, giữ xe máy tự phát trong sân nhà (đất có quyền sử dụng). Địa điểm trông giữ xe gần trường học cấp 3 nên chủ yếu là học sinh đi xe máy hoặc xe máy điện gửi. Số lượng gửi khoảng 100 cái/1 lần. Em muốn hỏi:
– Nhà em có cần đăng ký kinh doanh bãi đỗ xe máy không?
– Nhà em nhận trông giữ xe như vậy có trái pháp luật không ạ?

 

LuatVietnam trả lời như sau:

Khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định:

1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Theo quy định này, những người sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh trừ các ngành nghề có điều kiện.

Bên cạnh đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, Chính phủ giải thích, cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ… sinh lợi nhưng không phải đăng ký kinh doanh, không gọi là “thương nhân” gồm:

– Buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt, buôn chuyến;

– Thực hiện các dịch vụ đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

– Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Như vậy, nếu cá nhân chỉ trông, giữ xe tự phát, nhỏ, lẻ thì theo quy định nêu trên sẽ không phải đăng ký kinh doanh.

trong giu xe co can phai dang ky kinh doanh
Trông giữ xe có cần phải đăng ký kinh doanh không? (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nếu lập bãi đỗ xe (công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dùng để đỗ phương tiện giao thông đường bộ – theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT) thì cá nhân, tổ chức phải thực hiện đăng ký kinh doanh bởi có thể thấy đây là không phải “dịch vụ có thu nhập thấp” nêu tại khoản 2 Điều 66 Nghị định 78 nêu trên.

Đồng thời, đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Do đó, căn cứ vào quy mô, tính chất… của việc trông giữ xe để xác định việc đăng ký kinh doanh hay không. Theo như bạn trình bày, gia đình bạn tự phát nhận trông, giữ xe trong sân nhà mình nên nếu đây chỉ là hoạt động kinh doanh nhỏ, lẻ, có thu nhập thấp thì không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.

Đáng chú ý: Khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2007 nêu rõ:

1. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực, tuyến đường, địa điểm sau đây:

đ) Khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

Như vậy, có thể thấy, mặc dù việc trông giữ xe tự phát của gia đình bạn không thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh nhưng do địa điểm mở trông, giữ xe ngay cạnh trường học là một trong những địa điểm bị cấm nên việc trông giữ xe của gia đình bạn là hành vi trái pháp luật.

Trên đây là quy định về việc lập điểm trông giữ xe có phải đăng ký kinh doanh không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900 6192 để được tư vấn, giải đáp.

>> Tự ý lập bãi trông giữ xe có bị xử phạt?