Trường hợp nào vợ chồng không phải cùng nhau trả nợ? Update 01/2025

Nhiều người vẫn nghĩ, khi đã là vợ chồng thì mọi khoản vay đều phải do cả hai vợ chồng cùng nhau trả nợ. Tuy nhiên, vợ chồng có phải cùng nhau trả nợ không?

Mọi khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung?

Theo khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ) năm 2014, thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân.

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể có tài sản chung: Là tài sản được tạo ra từ thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, được thừa kế chung… Và theo khoản 2 Điều 33 Luật HN&GĐ, hai vợ chồng có thể sử dụng tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ chung của hai người.

Tương tự, bên cạnh tài sản chung, trong thời kỳ hôn nhân, hai vợ chồng có thể có tài sản riêng. Đây là tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân… (Điều 43 Luật HN&GĐ).

Đặc biệt, Điều 45 Luật HN&GĐ nêu rõ, vợ chồng có nghĩa vụ riêng về tài sản phải thực hiện:

– Nghĩa vụ của mỗi bên có trước khi kết hôn;

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ chồng;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng…

Do đó, có thể thấy trong thời kỳ hôn nhân, bên cạnh những khoản nợ chung khi cả hai vợ chồng cùng xác lập thì cũng có những khoản nợ riêng do mỗi bên thực hiện.

Như vậy, không phải mọi khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân đều là nợ chung mà có thể là những khoản nợ riêng của một trong hai bên vợ chồng.

Vợ chồng có phải cùng nhau trả nợ không

Vợ chồng có phải cùng nhau trả nợ không?​ (Ảnh minh họa)

Các trường hợp vợ chồng không bị liên đới trả nợ?

Theo phân tích ở trên, trong thời kỳ hôn nhân, bên cạnh các khoản nợ chung thì vợ chồng có thể có các khoản nợ riêng. Do đó, như quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật HN&GĐ, nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi bên vợ chồng được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

Về trách nhiệm liên đới của vợ chồng, Điều 27 Luật HN&GĐ có phân thành 02 trường hợp cụ thể như sau:

1/ Trách nhiệm liên đới do giao dịch của một bên thực hiện

Trong trường hợp những giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện thì cả hai vợ chồng đều phải chịu trách nhiệm liên đới gồm:

– Thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Do một bên thực hiện theo ủy quyền của người còn lại. Khi đó, mọi việc xác lập, thực hiện hay chấm dứt giao dịch đều phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng;

– Vợ chồng kinh doanh chung thì người trực tiếp kinh doanh là người đại diện hợp pháp cho người còn lại…

2/ Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Theo Điều 37 Luật HN&GĐ, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản như:

– Phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng nhau thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định cả hai vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

– Nghĩa vụ do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc dùng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra…

Do đó, có thể kể đến các trường hợp vợ chồng không phải cùng nhau liên đới trả nợ như:

– Do vợ chồng có thỏa thuận khác;

– Không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Không phải do cả hai vợ chồng cùng quyết định, thống nhất và ủy quyền hoặc đại diện cho nhau thực hiện;

– Không thuộc các nghĩa vụ mà vợ chồng phải liên đới chịu trách nhiệm nêu tại Điều 37 Luật HN&GĐ…

Nói tóm lại, không phải mọi trường hợp vợ chồng đều phải cùng nhau trả nợ. Tùy vào mục đích vay cũng như thỏa thuận và các yếu tố khác, vợ hoặc chồng có thể xác định nghĩa vụ trả nợ này có thuộc nghĩa vụ liên đới mà hai vợ chồng phải cùng nhau thực hiện không.

>> Đã ly hôn, vợ chồng vẫn phải cùng nhau trả nợ?

Nguyễn Hương