Thực tế không hiếm trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc không xin phép làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí nhân lực cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy lúc này, doanh nghiệp có được đuổi việc người lao động không?
Người lao động nghỉ làm có cần xin phép người sử dụng?
Bên cạnh việc tuân thủ chế độ làm việc của doanh nghiệp, người lao động cũng được bố trí thời gian nghỉ phù hợp để nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ Tết, nghỉ hằng năm và nghỉ việc riêng, nghỉ không lương.
Trong đó, căn cứ Điều 111, Điều 112, Điều 113 và Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, việc nghỉ của người lao động trong từng trường hợp được quy định như sau:
– Nghỉ hằng tuần: Ít nhất 01 ngày/tuần, theo lịch mà doanh nghiệp bố trí.
– Nghỉ lễ, Tết: Theo các ngày lễ, Tết được Bộ luật Lao động quy định.
+ Tết Dương lịch: Nghỉ 01 ngày.
+ Tết Âm lịch: Nghỉ 05 ngày.
+ Ngày Chiến thắng: Nghỉ 01 ngày.
+ Ngày Quốc tế lao động: Nghỉ 01 ngày.
+ Quốc khánh: Nghỉ 02 ngày.
+ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghỉ 01 ngày.
– Nghỉ hằng năm: Tùy từng trường hợp, người lao động được nghỉ từ 12 – 16 ngày. Cứ làm việc đủ 05 năm cho người sử dụng lao động thì được nghỉ thêm 01 ngày.
– Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương:
+ Khi người lao động kết hôn, người thân của người lao động kết hôn hoặc bị chết thì người lao động được nghỉ từ 01 – 03 ngày và phải thông báo cho người sử dụng lao động.
+ Nghỉ vì các lý do khác: Phải thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Như vậy, có thể thấy, người lao động khi nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, Tết hoặc nghỉ vì lý do kết hôn hoặc có người thân kết hôn, chết thì không cần phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động.
Tự ý nghỉ việc không xin phép, có sao không? (Ảnh minh họa)
Tự ý nghỉ không xin phép, người lao động có bị đuổi việc?
Như đã phân tích, tùy từng trường hợp nghỉ mà người lao động có thể phải xin phép người sử dụng lao động. Nếu thuộc trường hợp phải xin phép nhưng lại tự ý nghỉ làm, người lao động có thể bị coi là vi phạm kỷ luật lao động và bị xử lý kỷ luật tương ứng theo nội quy lao động.
Nặng nhất, người lao động tự ý nghỉ không phép còn có thể bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải nếu thuộc trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019:
4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Theo đó, nếu không có lý do chính đáng mà nghỉ việc từ 05 ngày cộng dồn trong 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong 365 ngày thì người lao động có thể phải đối mặt với việc bị sa thải.
Thậm chí, người sử dụng lao động còn có thể đuổi việc ngay và luôn đối với người lao động tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019.
Như vậy, nếu tự ý nghỉ nhiều ngày mà không xin phép, người lao động hoàn toàn có thể bị sa thải hoặc bị đuổi việc.
Còn nếu chưa đến mức bị sa thải hoặc đuổi việc mà doanh nghiệp lại áp dụng đối với người lao động thì sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Lúc này, người lao động có thể khiếu nại đến Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc trực tiếp khởi kiện đến Tòa án cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình.
Trên đây là giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề tự ý nghỉ việc không xin phép. Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực lao động sẽ được LuatVietnam giải đáp thông qua tổng đài 1900.6192.
>> Quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không lương mới nhất