Ban chỉ đạo Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm tại nơi diễn ra lễ hội Xuân 2018. Mức phạt tiền cao nhất cho cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt đến 200 triệu đồng.
Sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất là thời điểm diễn ra các Lễ hội Xuân. Theo thống kê, chỉ tính trong tháng Giêng, cả nước có khoảng 8000 lễ hội lớn nhỏ, dự kiến thu hút hàng chục triệu lượt khách du lịch tham dự.
Thời điểm mùa lễ hội Xuân diễn ra cũng là thời điểm vấn đề an toàn thực phẩm được đẩy lên cao nhất. Thực tế, cứ mỗi địa điểm diễn ra lễ hội lại có hàng trăm hàng quán kinh doanh thực phẩm. Nhiều hàng quán trong số này không đáp ứng đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm như: dụng cụ đựng đồ ăn không được cọ rửa kỹ càng, nguyên liệu chế biến không rõ nguồn gốc, chứa chất độc hại… Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
An toàn thực phẩm tại lễ hội Xuân đang là vấn đề được quan tâm (Hình ảnh minh họa)
Trước tình trạng này, ngay từ trước Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã ra Chỉ thị số 09/CT-BCĐTƯVSATTP yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân vui xuân.
Cụ thể, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành cấp tỉnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm; vệ sinh ăn uống; lựa chọn, bảo quản chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn…
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, Nghị định 178/2013/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể. Theo đó, tùy thuộc vào hành vi và mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung; bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Nếu phát hiện hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, người dân cần báo cho cơ quan chức năng (Hình ảnh minh họa)
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã kêu gọi người dân tham gia giám sát ngăn chặn thực phẩm bẩn mùa Lễ hội Xuân 2018, đồng thời công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về an toàn thực phẩm mùa Lễ hội Xuân.
Cụ thể, người dân có thể thông báo các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm theo các số điện thoại đường dây nóng sau: 0243 232 1556 – 0911 811 556.
Bên cạnh đó, tại Chỉ thị 09/CT-BCĐTƯVSATTP, Ban chỉ đạo Trung ương còn yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất, đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn để chủ động cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ trong những ngày diễn ra lễ hội.