Trong cuộc sống, nhiều người không tránh khỏi những trường hợp cho vay không có giấy tờ. Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống đó, người cho vay vẫn có khả năng đòi được tiền.
Đối với nhiều mối quan hệ xã hội, không phải trường hợp nào cho vay cũng kèm theo giấy tờ. Ví dụ như cho bạn bè thân thiết, họ hàng vay tiền nhiều người “ngại” không hề có bất cứ một loại giấy tờ nào chứng minh.
Do đó, khi xảy ra vấn đề tranh chấp, nhiều người đã phải ngậm đắng nuốt cay mất số tiền cho vay. Thế nhưng, luật pháp cũng có những quy định bảo vệ quyền lợi những người cho vay không có giấy tờ chứng minh.
Cách đòi nợ khi cho vay không có giấy tờ
Việc cho người khác vay tiền được xác định như một giao dịch dân sự. Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.
Vì vậy, việc vay tiền hoàn toàn có hiệu lực về pháp lý không nhất thiết phải bằng văn bản. Việc vay mượn có thể bằng lời nói, hành vi vẫn được coi như giao dịch được xác lập. Thế nhưng, nếu xảy ra tranh chấp, khi tòa án thụ lý, nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” vẫn được ưu tiên.
Bởi vậy, người cho vay phải bằng mọi cách chứng minh được việc cho vay như ghi âm lại lời nói hay có sự xác nhận từ người đi vay qua email, tin nhắn điện thoại, phương tiện điện tử khác…Tất cả những điều này có thể làm căn cứ nếu xảy ra tranh chấp trước tòa.
Bằng những cách thức xác lập giao dịch đa dạng từ Bộ luật Dân sự 2015, chắc chắn, nhiều người trót cho vay không có giấy tờ sẽ có thêm phương án giải quyết khi xảy ra tranh chấp với những con nợ.
Tuy nhiên, để tránh việc chứng minh một cách rắc rối, pháp luật vẫn khuyến khích việc vay mượn phải có giấy tờ rõ ràng. Điều đó sẽ đảm bảo một cách tốt nhất quyền và lợi ích của những chủ nợ.
LuatVietnam