Xây dựng sai phép, trái phép bị xử phạt thế nào? Update 11/2024

Xây dựng sai phép, trái phép xảy ra tại nhiều địa phương. Tùy thuộc vào từng loại giấy phép xây dựng mà mức xử phạt sẽ khác nhau, ngoài việc bị phạt tiền thì buộc phải tháo dỡ nếu không được điều chỉnh giấy phép xây dựng.

* Xây dựng sai phép, trái phép là hành vi xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Xây dựng sai giấy phép xây dựng mới

Theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

– Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị.

– Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị, công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

– Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức).

xây dựng sai phépMức phạt khi xây dựng sai phép, trái phép (Ảnh minh họa)
 

Xây dựng sai giấy phép sửa chữa, cải tạo

Khoản 2 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo như sau:

– Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị.

– Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp nhà ở riêng lẻ tại đô thị hoặc công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

– Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức).

Ngoài ra, tại khoản 8 Điều 15 Nghị định này còn quy định mức xử phạt đối với hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm như sau:

– Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị, công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

– Phạt tiền từ 35 – 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

– Phạt tiền từ 300 – 350 triệu đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức).

Lưu ý: Các hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP bị phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng, gồm:

– Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

– Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng.

– Xây dựng công trình sai cốt xây dựng.

– Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử – văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này).

– Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Biện pháp khắc phục hậu quả

* Nếu hành vi vi phạm đã kết thúc

Điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định nếu hành vi vi phạm đã kết thúc thì buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

* Nếu đang thi công

Căn cứ khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:

– Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.

– Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Hết thời hạn trên mà tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Trường hợp được điều chỉnh giấy phép xây dựng mà công trình, phần công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình hoặc phần công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.

Kết luận: Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà hành vi xây dựng sai phép, trái phép sẽ bị xử phạt với mức tiền khác nhau. Ngoài việc bị phạt tiền thì buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình được xây dựng không đúng với giấy phép nếu hành vi vi phạm đã kết thúc.

>> 8 trường hợp xây dựng không phép, trái phép không bị phá dỡ