Xây nhà xong có bắt buộc đăng ký, cấp Sổ hồng không? Update 04/2024

Nhiều người dân hiện nay khi xây dựng xong nhà ở sẽ đưa vào sử dụng luôn, nhất là khu vực nông thôn. Vậy, khi xây nhà xong có bắt buộc phải đăng ký và cấp Sổ hồng không? Nếu không đăng ký có vi phạm không?

1. Xây nhà xong có bắt buộc phải đăng ký?

Khi sử dụng đất thì người sử dụng đất có nghĩa vụ phải đăng ký đất đai lần đầu và đăng ký biến động để nhà nước quản lý; riêng trường hợp nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì pháp luật không bắt buộc chủ sở hữu phải đăng ký và không bị vi phạm.

Nói cách khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đăng ký khi có yêu cầu của sở hữu. Quy định này được nêu rõ tại khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai 2013, cụ thể:

“1. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.”.

2. Lý do vì sao nên đăng ký quyền sở hữu?

Mặc dù pháp luật không bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu nhà ở như đăng ký đất đai nhưng người dân khi xây nhà xong nên đăng ký để bổ sung thông tin về nhà ở vào trang 2 Giấy chứng nhận vì những lý do sau:

(1) Có Giấy chứng nhận mới được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp.

Khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở 2014 quy định:

“1. Giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;”.

Theo đó, chủ sở hữu nhà ở muốn bán, tặng cho, thế chấp, góp vốn thì phải có Giấy chứng nhận. Nói cách khác, nhà ở đó đã được đăng ký quyền sở hữu và được ghi trong Giấy chứng nhận thì chủ sở hữu sẽ có đầy đủ quyền.

(2) Dễ dàng trong việc chứng minh nhà ở là tài sản hợp pháp khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại về nhà ở để được bồi thường.

Khoản 1 Điều 88 Luật Đất đai năm 2013 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

“Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.”.

Như vậy, kể cả khi nhà ở không có Giấy chứng nhận vẫn được bồi thường nếu có thiệt hại như thu hồi đất mà phải tháo dỡ nhà ở; tuy nhiên, khi người dân có Giấy chứng nhận sẽ thuận tiện trong việc chứng minh nhà ở là tài sản hợp pháp.

3. Hồ sơ, thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà ở

3.1. Hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà ở

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ

* Thành phần hồ sơ:

Khoản 3 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định hộ gia đình, cá nhân muốn đăng ký quyền sở hữu nhà ở cần chuẩn bị hồ sơ với các giấy tờ như sau:

(1) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở theo Mẫu số 04a/ĐK.

(2) Một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở được quy định tại Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

(3) Sơ đồ về nhà ở, trừ trường hợp trong giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở đã có sơ đồ nhà ở phù hợp với hiện trạng.

(4) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

(5) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có).

3.2. Trình tự, thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà ở

Căn cứ Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà ở được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Cách 1. Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có nhà đất nếu có nhu cầu.

Cách 2. Không nộp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có nhà đất

– Trường hợp địa phương đã thành lập bộ phận một cửa liên thông thì nộp tại bộ phận một cửa theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để chuyển cho Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

– Trường hợp địa phương chưa tổ chức bộ phận một cửa liên thông thì hộ gia đình, cá nhân nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa có Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Bước 4: Trả kết quả

Thời gian giải quyết: Không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 25 ngày làm việc đối với xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

4. Sổ đỏ ghi những thông tin gì về nhà ở?

Khi nhà ở được đăng ký quyền sở hữu (đăng ký cùng với thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đăng ký bổ sung – đất được cấp Giấy chứng nhận trước, nhà ở xây sau và đăng ký sau) thì tại trang 2 Giấy chứng nhận ghi rõ thông tin về nhà ở.

Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, khi được công nhận quyền sở hữu thì Giấy chứng nhận sẽ ghi đầy đủ thông tin về nhà ở riêng lẻ như sau:

– Loại nhà ở.

– Diện tích xây dựng.

– Diện tích sàn.

– Hình thức sở hữu.

– Cấp (hạng) nhà ở.

– Thời hạn được sở hữu.

Xem chi tiết: Cách xem thông tin Sổ đỏ, Sổ hồng mới nhất

Trên đây là quy định giải đáp cho câu hỏi: Xây nhà xong có bắt buộc phải đăng ký, cấp Giấy chứng nhận? Theo đó, pháp luật không bắt buộc người dân phải đăng ký và cấp Giấy chứng nhận nhưng nên thực hiện vì khi đó chủ sở hữu nhà ở mới được thực hiện đầy đủ quyền của mình.

Nếu bạn đọc có vướng mắc về nội dung trên hãy gọi ngay tới tổng đài 1900.6192 để được giải đáp.

>> Cấp Sổ đỏ: Thủ tục thực hiện thế nào? Phải nộp bao nhiêu tiền?

>> Người sử dụng đất không có Sổ đỏ vẫn có 5 quyền dưới đây