Ngày 21/5/2021, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Với các ca bệnh xuất phát từ các quán ăn gia đình (vừa và nhỏ) được phát hiện, ông Phong đặt vấn đề có nên đóng cửa tất cả các quán kinh doanh vừa và nhỏ hay không?
Sau góp ý của đại diện các quận huyện và TP Thủ Đức, Ông Nguyễn Thành Phong kết luận, đối với quán ăn nhỏ ven đường, UBND TP.HCM cho bán mang về, hoặc bán online, không cho bán tập trung. Người mang hàng về nhà phải mang khẩu trang. Và nếu vi phạm thì áp dụng phạt nguội thông qua hệ thống camera, các biện pháp, thiết bị khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Còn với các nhà hàng ăn uống có trên 10 lao động, ông đề nghị không tập trung quá 20 người, khi hoạt động phải thực hiện giãn cách. Nhà hàng, khách sạn cũng tương tự, không được tập trung quá 20 người.
TP.HCM: Quán ăn nhỏ chỉ bán mang đi, online, không bán tập trung (Ảnh minh họa)
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), thời điểm áp dụng từ 18h ngày 21/5/2021.
Trước đó, UBND TP.HCM quy định tùy sự kiện, tùy điều kiện mà quyết định số người tham gia các sự kiện, hội họp. Tuy nhiên trong bối cảnh này, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sự kiện hội họp, các sự kiện lễ hội tôn giáo không tập trung quá 30 người; ở nơi công cộng, phạm vi trường học, bệnh viện, công sở không tập trung quá 20 người, phải thực hiện giãn cách.
Ông Nguyễn Thành Phong tái khẳng định TP.HCM đang xuất hiện 03 chuỗi lây bệnh ở Công ty Q.3; quán ăn Q.3 và tiệm cơm ở Q.Gò Vấp. Trong đó đáng lo ngại bệnh nhân ở Thủ Đức nhiệm virus biến chủng ở Ấn Độ, rất nguy hiểm được WHO cảnh báo.
Theo ông Phong, tính đến nay, 30 tỉnh thành có dịch. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp nhận trên 100 ca mỗi ngày (tăng 3 con số). Trong đó tiêu điểm vẫn là các khu công nghiệp với gần 1.000 ca mắc. “Trong các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có đến 52,5% các ca xuất phát từ khu công nghiệp”, ông Phong cảnh báo.
Vói các ca lây nhiễm, ông Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức phải xác định công tác chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm số 1, cấp bách, khẩn cấp nhất hiện nay. Muốn đạt việc này cần phải kiểm soát các nhóm nguy cơ; cán bộ công chức, viên chức gương mẫu đi đầu vận động người thân trong gia đình phòng chống dịch…