Ngày 10/5/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của hai chính sách mới về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại và quy chế ứng phó sự cố tràn dầu.
8 đầu mối tiếp nhận thông tin khi có sự cố tràn dầu
Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 12/2021/QĐ-TTg.
Theo đó, Điều 13 Quy chế ban hành kèm Quyết định này quy định các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời đến một trong các cơ quan sau đây:
– Đầu mối liên lạc quốc gia về sự cố tràn dầu trên biển;
– Cảng vụ gần nhất;
– Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực;
– Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực (trong trường hợp yêu cầu cứu hộ, cứu nạn trên biển);
– Các đài thông tin duyên hải Việt Nam để chuyển tiếp thông tin về cơ quan chủ trì ứng phó hoặc cơ quan cứu hộ, cứu nạn;
– Sở Tài nguyên và Môi trường;
– Chính quyền địa phương nơi gần nhất;
– Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan.
Ngoài các đầu mối trên, khi để xảy ra tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có thể thông tin đến các đơn vị Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy để xử lý hoặc chuyển tiếp thông tin về cơ quan chủ trì ứng phó.
Chính sách mới có hiệu lực 10/5/2021 (Ảnh minh họa)
3 loại báo cáo của cơ quan thanh tra Nhà nước
Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 02/2021/TT-TTCP quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, các loại báo cáo của cơ quan này được quy định cụ thể tại Điều 3 Thông tư 02/2021 gồm:
– Báo cáo định kỳ là báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được thực hiện hằng quý, 06 tháng, 09 tháng và hằng năm.
– Báo cáo chuyên đề là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề thuộc lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định.
– Báo cáo đột xuất là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh bất thường trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc của Thanh tra Chính phủ.
Những chính sách này có hiệu lực từ ngày 10/5/2021.