5 phương thức thực hiện giao dịch thuế điện tử Update 11/2024

Tại  Thông tư 19/2021/TT-BTC ban hành ngày 18/3/2021, Bộ Tài chính đã hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Theo Thông tư nay, người nộp thuế thực hiện giao dịch thuế điện tử phải có khả năng truy cập và sử dụng Internet, có địa chỉ thư điện tử, có chữ ký số hoặc có số điện thoại di động được một công ty viễn thông ở Việt Nam cấp đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan Thuế trừ trường hợp người nộp thuế lựa chọn phương thức nộp thuế điện tử theo quy định của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.


5 phương thức thực hiện giao dịch thuế điện tử (Ảnh minh họa)
 

Người nộp thuế có thể lựa chọn các phương thức sau đây để thực hiện giao dịch thuế điện tử:

– Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế;

– Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế;

– Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế;

– Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN được Tổng cục Thuế chấp nhận kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế;

– Dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện nộp thuế điện tử.

Bộ Tài chính quy định, người nộp thuế có thể thực hiện các giao dịch thuế điện tử 24/7, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày tết. Ngược lại, thời gian cơ quan Thuế gửi thông báo, quyết định, văn bản cho người nộp thuế được xác định là trong ngày nếu hồ sơ được ký gửi thành công trong cả 24 giờ mỗi ngày.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 03/5/2021.