Bộ Y tế hướng dẫn sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung Update 11/2024

Ngày 19/3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1639/QĐ-BYT về tài liệu bổ sung hướng dẫn hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng thuộc Đề án 818 đến năm 2030.

Các biện pháp sàng lọc ung thư vú gồm:

– Tự khám vú: được khuyến cáo thực hiện hàng tháng vào 1 ngày cố định (với phụ nữ còn kinh là sau khi sạch kinh 7-10 ngày) với phụ nữ từ 20 tuổi trở lên. 

– Khám lâm sàng.

– Chụp X quang tuyến vú: là kỹ thuật hiện hình tuyến vú bằng chụp X quang nhằm chẩn đoán các tổn thương tại tuyến vú hay sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú ở cả nữ giới và nam giới.

– Siêu âm tuyến vú: là phương pháp thăm khám làm hiện hình cấu trúc tuyến vú bằng siêu âm, nhằm khảo sát tuyến vú bình thường cũng như phát hiện các dấu hiệu bất thường tại tuyến vú.

– Chọc sinh thiết tế bào tuyến vú: Xét nghiệm tế bào học tuyến vú là phương pháp thường dùng nhất để sàng lọc và chẩn đoán ung thư tuyến vú.

– Xét nghiệm tìm kiếm các marker ung thư (cancer marker) trong máu, nước tiểu hoặc các mô cơ thể để phát hiện/chẩn đoán ung thư được thực hiện dựa trên cơ sở các marker này là các chất (protein, chất tiết…) được tạo ra bởi các tế bào ung thư hoặc bởi các tế bào bình thường khi đáp ứng với sự có mặt của tế bào ung thư trong cơ thể.

– Xét nghiệm gen BRCA 1/2.


Bộ Y tế hướng dẫn sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung (Ảnh minh họa)
 

Các biện pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung gồm:

– Nghiệm pháp VIA.

– Nghiệm pháp VILI.

– Xét nghiệm tế bào cổ tử cung: là phương pháp thường dùng nhất để sàng lọc ung thư cổ tử cung đã được thừa nhận từ nhiều thập niên qua do thoả mãn các điều kiện: độ nhạy khá, có thể lặp lại nhiều lần và đã chứng minh được tính hữu hiệu khi hạ thấp tần suất ung thư xâm lấn cổ tử cung ở các nước phát triển.

– Xét nghiệm HPV.

– Soi cổ tử cung.

– Kỹ thuật sinh thiết cổ ngoài.

– Xét nghiệm marker ung thư cổ tử cung.