- 1/ Ban hành danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
- 2/ 8 trường hợp khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến
- 3/ Tăng mức bồi thường bảo hiểm ô tô, xe máy lên 150 triệu đồng
- 4/ 8 trường hợp có thiệt hại nhưng không được bảo hiểm bồi thường
- 5/ Công chức thi hành án dân sự có hệ số lương cao nhất đến 8,0
- 6/ Doanh nghiệp KHCN được miễn thuế thu nhập 4 năm
1/ Ban hành danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH.
Trong đó, có thể kể đến một số nghề, công việc như sau:
– Khai thác khoáng sản: Khoan đá bằng búa máy cầm tay trong hầm lò, khai thác mỏ hầm lò; đội viên cứu hộ mỏ…
– Cơ khí, luyện kim: Làm việc trên đỉnh lò cốc, lái xe chặn than cốc nóng; sữa chữa nóng lò cốc…
– Hóa chất: Hàn chì trong thùng tháp kín; vận hành bơm và đóng bình axit H2SO4; xử lý tanh trong sản xuất lốp các loại…
2/ 8 trường hợp khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến
Điều 6 Thông tư số 30/2020/TT-BYT quy định một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) nêu rõ 06 trường hợp khám chữa bệnh BHYT được coi là đúng tuyến. Cụ thể:
– Người tham gia BHYT đến khám chữa bệnh đúng cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT;
– Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc;
– Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.
– Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra…
Chính sách mới có hiệu lực 01/3/2021 (Ảnh minh họa)
3/ Tăng mức bồi thường bảo hiểm ô tô, xe máy lên 150 triệu đồng
Nội dung này được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 04/2021/TT-BTC về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo đó, khoản 1 Điều 4 Thông tư này nêu rõ:
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là một trăm năm mươi (150) triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn
Trong khi đó, trước đây theo quy định tại Thông tư số 22 năm 2016 thì mức bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn.
Đồng thời, mức bồi thường thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự gây ra là 50 triệu đồng/vụ; do xe ô tô, máy kéo… gây ra là 100 triệu đồng/vụ.
4/ 8 trường hợp có thiệt hại nhưng không được bảo hiểm bồi thường
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP.
Theo đó, có 08 trường hợp có thiệt hại mà bảo hiểm không phải bồi thường nêu tại Điều 13 Nghị định này gồm:
– Người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới theo quy định;
– Người lái xe sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bị tẩy xóa hoặc hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn;
Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
– Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật…
5/ Công chức thi hành án dân sự có hệ số lương cao nhất đến 8,0
Đây là nội dung được Bộ Tư pháp bổ sung tại Thông tư số 08/2020/TT-BTP sửa đổi về chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự.
Theo đó, khoản 20 Điều 1 Thông tư này đã bổ sung cách xếp lương với công chức chuyên ngành thi hành án dân sự tại Thông tư 03/2017/TT-BTP như sau:
– Ngạch Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên cao cấp được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm A3.1 từ 6,2 – 8,0 tương ứng mới mức lương dao động từ 9,238 – 11,92 triệu đồng/tháng;
– Ngạch Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên chính được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1 từ 4,4 – 6,78 tương ứng với mức lương từ 6,556 – 10,102 triệu đồng/tháng.
– Ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A1 từ 2,34 – 4,98 tương ứng với mức lương từ 3,486 – 7,42 triệu đồng/tháng.
– Ngạch Thư ký trung cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại B từ 1,86 – 4,06 tương ứng với mức lương từ 2,77 – 6,05 triệu đồng/tháng.
6/ Doanh nghiệp KHCN được miễn thuế thu nhập 4 năm
Việc miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KHCN) được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 03/2021/TT-BTC.
Theo đó, điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này nêu rõ:
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ, cụ thể: được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo
Trong đó, thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ được tính liên tục kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Nếu không có thu nhập chịu thuế trong 03 năm đầu kể từ năm đầu tiên được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN thì năm đầu tiên tính thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
Những chính sách này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/3/2021.