Ngày 22/02/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của hai chính sách liên quan đến phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện và phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
1/ Phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Theo đó, tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy phải nộp phí theo biểu phí ban hành kèm Thông tư này như sau:
– Phí kiểm định xe chữa cháy, tàu, xuồng ca nô chữa cháy, xe thang chữa cháy: 130.000 đồng/xe;
– Kiểm định vòi chữa cháy: 20.000 đồng/cuộn;
– Kiểm định bình chữa cháy: 45.000 đồng/cái;
– Kiểm định đầu báo cháy, nút ấn báo cháy, chuông báo cháy, đèn báo cháy, đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố: 30.000 đồng/cái…
Trong đó, số lượng phương tiện kiểm định thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Chính sách mới có hiệu lực 22/02/2021 (Ảnh minh họa)
2/ Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp xác định giá phát điện
Quy định về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện được Bộ Công Thương đề cập đến tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT.
Theo đó, nguyên tắc xác định giá phát điện của nhà máy điện gồm các giá hợp đồng mua bán điện, giá đấu nối đặc thù do hai bên thỏa thuận.
Đặc biệt, giá phát điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường với chất thải rắn, nước thải công nghiệp và các khoản thuế, phí, các khoản thu bằng tiền khác theo quy định.
Đáng chú ý: Việc xác định giá bán điện này không áp dụng với các nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng biểu giá chi phí tránh được, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, nhà máy điện độc lập được đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT)…
Hai chính sách này đều có hiệu lực từ ngày 22/02/2021.