Ngày 08/02/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của Nghị định sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Đồng thời, đây cũng là ngày nhiều quy định mới liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy được áp dụng.
1/ Người dân có thể chọn thực hiện thủ tục cấp Sổ đỏ tại nhà
Nghị định 148/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 18/12/2020 đã sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Trong đó, có thể kể đến một số nội dung đáng chú ý như sau:
– Người có nhu cầu cấp Sổ đỏ được thỏa thuận về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục cấp Sổ đỏ với Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục…
– Bổ sung thêm cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ là Chi nhánh Văn phòng đất đai (trước đây chỉ quy định Văn phòng đăng ký đất đai).
– Khi làm thủ tục dồn điền, đổi thửa, người dân không còn được cấp đổi Sổ đỏ mà được cấp mới…
Chính sách mới có hiệu lực 08/02/2021 (Ảnh minh họa)
2/ Không bổ sung ngoài dự toán để thực hiện mức lương cơ sở
Đây là nội dung nêu tại Điều 4 Thông tư số 109/2020/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.
Cụ thể, khoản 1 Điều 4 Thông tư này nêu rõ:
Các Bộ, cơ quan Trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước được giao, thực hiện phân bổ dự toán đến đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo các đơn vị được cân đối đủ nguồn thực hiện mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng, ngân sách Trung ương không bổ sung ngoài dự toán cho các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện nhiệm vụ này.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên 2021 để thực hiện tiền lương, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao.
Riêng các địa phương không cân đối được nguồn theo chế độ quy định để thực hiện các chính sách về tiền lương theo mức lương cơ sở 11,49 triệu đồng/tháng thì ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ.
Sau khi cân đối nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội do Trung ương ban hành.
3/ Lãnh đạo công an huyện phải trực phòng cháy, chữa cháy
Bộ Công an ban hành đồng thời 03 Thông tư liên quan đến đến việc phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.
Cụ thể:
– Khoản 3 Điều 5 Thông tư 139/2020/TT-BCA quy định, công an huyện phải bố trí 01 đồng chí lãnh đạo trực chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để trực tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn bảo đảm 24/24 giờ và được chia thành các ca trực.
– Khi kiểm tra định kỳ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải thông báo bằng văn bản trước 03 ngày làm việc cho đối tượng kiểm tra, cơ quan, đơn vị có liên quan (nếu có) theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư 140/2020/TT-BCA.
– Về nguyên tắc trong hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Điều 2 Thông tư 141/2020/TT-BCA quy định, trước hết phải ưu tiên cứu người bị nạn, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản…
Những chính sách này đều có hiệu lực từ ngày hôm nay – ngày 08/02/2021.