Người được ủy quyền ký HĐLĐ không được ủy quyền lại Update 11/2024

Đây là nội dung mới được thông qua tại Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 vừa qua.

Theo đó, Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ, người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) trừ trường hợp với công việc mùa vụ, nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm giao kết hợp đồng lao động.


Người được ủy quyền ký HĐLĐ không được ủy quyền lại (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, khoản 5 Điều này khẳng định:

Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.

Đây là quy định mới chưa có ở Bộ luật Lao động 2012. Theo đó, về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động, Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ nêu, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

Với công việc mùa vụ, nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động cũng có thể ủy quyền cho một người trong nhóm ký hợp đồng lao động bằng văn bản.

Tuy nhiên, theo quy định mới, nội dung của hợp đồng lao động trong trường hợp ủy quyền này phải gồm: Danh sách ghi rõ họ, tên; ngày tháng năm sinh (trước đây là tuổi); giới tính, nơi cư trú (trước đây là địa chỉ thường trú), và chữ ký của từng người lao động (bỏ nội dung nghề nghiệp của từng người lao động).

Bộ luật này được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019.

>> Bộ luật Lao động 2019 và toàn bộ điểm mới đáng chú ý

>> 10 điểm mới về hợp đồng lao động từ năm 2021