Ngày 11/01/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của Nghị định về quản lý, sử dụng pháo cùng nhiều chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và thuế, phí, lệ phí.
1/ Được bắn pháo hoa không gây tiếng nổ dịp sinh nhật
Nội dung đáng chú ý này được Chính phủ quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa
Căn cứ quy định này, trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, người có đủ năng lực hành vi dân sự được bắn pháo hoa mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Trong đó, định nghĩa về pháo hoa cũng được sửa đổi tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định này như sau:
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Bởi vậy, nếu người dân muốn bắn pháo hoa hợp pháp trong các dịp nêu trên thì phải sử dụng pháo hoa không gây tiếng nổ, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và mua tại tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Chính sách mới có hiệu lực 11/01/2021 (Ảnh minh họa)
2/ Học sinh lớp 10 được học về an ninh mạng
Đây là nội dung mới đáng chú ý được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT về chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông.
Theo đó, nội dung và yêu cầu cần đạt về an ninh mạng của lớp 10 gồm:
– Nêu được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng năm 2018;
– Bảo mật được thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng…
3/ Giảm lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 101/2020/TT-BTC.
Theo đó, lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú ý tại Thông tư 101/2020 này chỉ còn 50.000 đồng (giảm một nửa so với mức thu 100.000 đồng nêu tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC).
Ngoài ra, các loại phí khác vẫn được giữ nguyên như quy định trước đây tại Thông tư số 285/2016 như:
– Phí kiểm dịch sản phẩm động vật đông lạnh: 200.000 đồng/lô hàng;
– Phí kiểm soát giết mổ trâu, bò, ngựa, lừa, la: 14.000 đồng/con; lợn từ 15 kg trở lên, dê, cừu, đà điểu: 7.000 đồng/con; lợn dưới 15 kg: 700 đồng/con …
4/ Thuế chống bán phá giá không cao hơn biên độ phá giá
Bộ Công Thương ban hành Thông tư 30/2020/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu về phòng vệ thương mại.
Theo đó, về quy tắc thuế suất thấp hơn, khoản 1 Điều 5 Thông tư này quy định:
Thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp không được cao hơn biên độ phá giá hoặc mức trợ cấp.
Trong đó, căn cứ vào kết luận của Cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sẽ xem xét áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thấp hơn biên độ phá giá hoặc mức trợ cấp nếu mức thuế thấp hơn này đủ để loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Những chính sách này đều có hiệu lực từ ngày 11/01/2021.