Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 Update 11/2024

Đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm phổ biến toàn cầu. Năm 2019, trên thế giới, cứ 11 người trưởng thành thì có 01 người bị đái tháo đường. Vì vậy,  Bộ Y tế mới đây đã ra Quyết định 5481/QĐ-BYT ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2.

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa vào 01 trong 04 tiêu chí sau đây:

a) Glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L) hoặc:

b) Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp với 75g glucose bằng đường uống ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L);

c) HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm HbA1c phải được thực hiện bằng phương pháp đã chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế;

d) Bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc của cơn tăng glucose huyết cấp kèm mức glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

Chẩn đoán xác định nếu có 02 kết quả trên ngưỡng chẩn đoán trong cùng 01 mẫu máu xét nghiệm hoặc ở 02 thời điểm khác nhau đối với tiêu chí a, b, hoặc c; riêng tiêu chí d: chỉ cần một lần xét nghiệm duy nhất.

chan doan va dieu tri dai thao duong tip 2
Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 (Ảnh minh họa)
 

Các phương pháp điều trị tổng thể đái tháo đường bao gồm một số biện pháp sau:

– Tư vấn, hỗ trợ, can thiệp thay đổi lối sống: không hút thuốc, không uống rượu bia, chế độ ăn và hoạt động thể lực (áp dụng cho tất cả người bệnh, các giai đoạn);

– Tư vấn tuân thủ điều trị, kiểm soát cân nặng;

– Thuốc uống hạ đường huyết;

– Thuốc tiêm hạ đường huyết;

– Kiểm soát tăng huyết áp;

– Kiểm soát rối loạn lipid máu;

– Chống đông;

– Điều trị và kiểm soát biến chứng, bệnh đồng mắc.

Quyết định có hiệu lực từ 30/12/2020 và thay thế Quyết định 3319/QĐ-BYT.