Tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Xuất khẩu lao động về nước phải thông báo với cơ quan cư trú (Ảnh minh họa)
Đáng chú ý, theo điểm g khoản 2 Điều 6 Luật này, người đi xuất khẩu lao động được yêu cầu về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về nước theo quy định của Luật Cư trú trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Ngoài ra, người lao động còn có nghĩa vụ:
– Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
– Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động; đoàn kết với người lao động tại nước tiếp nhận lao động;
– Hoàn thành khóa học giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
– Nộp tiền dịch vụ, thực hiện ký quỹ theo quy định của Luật này;
– Làm việc đúng nơi quy định; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động;
– Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động;
– Nộp thuế, tham gia bảo hiểm xã hội, hình thức bảo hiểm khác theo quy định pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động;
– Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Luật này có hiệu lực từ 01/01/2022.