Ủy quyền khiếu nại phải được chứng thực hoặc công chứng Update 11/2024

Đây là nội dung mới đáng chú ý vừa được Chính phủ đề cập đến tại Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.

Cụ thể, Điều 5 Nghị định này nêu rõ, người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Trong khi hiện nay, theo điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại, người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện khiếu nại.

Riêng người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại (như quy định của Luật Khiếu nại hiện hành).

Ủy quyền khiếu nại phải được chứng thực hoặc công chứng
Ủy quyền khiếu nại phải được chứng thực hoặc công chứng (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, khoản 3 Điều 5 Nghị định 124 này khẳng định:

Việc ủy quyền nêu trên phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện

Quy định này hiện không được đề cập đến tại Nghị định 75/2012/NĐ-CP cũng như Luật Khiếu nại.

Như vậy, từ ngày 10/12/2020, khi Nghị định 124 chính thức có hiệu lực, ủy quyền khiếu nại trong các trường hợp nêu trên phải lập bằng văn bản, có chứng thực hoặc công chứng.