Từ 01/7/2021, 4 văn bản về CMND/CCCD hết hiệu lực Update 11/2024

Với việc ban hành hai Thông tư số 59/2021/TT-BCA và 60/2021/TT-BCA, Bộ Công an cũng đồng thời bãi bỏ nhiều văn bản liên quan đến Chứng minh nhân dân (CMND)/Căn cước công dân (CCCD).

Cụ thể, Điều 20 Thông tư 59 năm 2021 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 và thay thế:

– Thông tư số 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật CCCD và Nghị định 137/2015/NĐ-CP.

– Thông tư số 40/2019/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Thông tư 07 năm 2016 nêu trên.


Từ 01/7/2021, 4 văn bản về CMND/CCCD hết hiệu lực (Ảnh minh họa)

Tương tự, Thông tư 60/2021/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 và thay thế:

– Thông tư số 11/2016/TT-BCA quy định trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD;

– Thông tư số 48/2019/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2016 ngày 04/3/2016 nêu trên.

Ngoài việc quy định nhiều văn bản liên quan đến CMND, CCCD hết hiệu lực, hai Thông tư 59 và 60 cũng có nhiều quy định mới liên quan đến hai loại giấy tờ này, có thể kể đến:

– Thời hạn cấp Giấy xác nhận số CMND, số CCCD tối đa không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (trước đây không có quy định này).

– Thu hồi mọi CMND cũ khi đổi sang Căn cước gắn chip (quy định cũ cắt góc và được trả lại cho người dân).

– Làm CCCD gắn chip không phải điền Tờ khai CCCD giấy như quy định cũ.

– Người dân cả nước được làm CCCD tại nơi tạm trú (quy định cũ là làm CCCD tại nơi công dân có đăng ký thường trú do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đủ thông tin về công dân)…

Luật CCCD cũng bị sửa đổi, bổ sung từ ngày 01/7/2021 theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú năm 2020. Cụ thể, quy định được sửa đổi là nội dung được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nêu tại khoản 1 Điều 9 Luật CCCD.

Nếu có vướng mắc về Căn cước công dân gắn chip, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

>> Thẻ Căn cước công dân: 10 điều người dân nên biết

>> Xem các chính sách mới về CCCD dưới dạng Video tại đây