Hôm nay – ngày 10/8/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của hai Thông tư do Bộ Tư pháp ban hành: Thông tư hướng dẫn Luật Luật sư và Thông tư về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
5 giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư
Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ Tư pháp nêu tại Thông tư số 05/2021/TT-BTP hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư cũng như Nghị định quy định chi tiết Luật này.
Theo đó, các loại giấy tờ chứng minh một người được miễn đào tạo nghề luật sư nêu tại Điều 4 Thông tư này gồm:
– Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Biên bản bầu thẩm phán của Hội đồng nhân dân đối với trường hợp thẩm phán do Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh bầu.
– Quyết định phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật hoặc bản sao bằng tiến sỹ luật.
– Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm tra viên cao cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án; kiểm tra viên cao cấp, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; Quyết định bổ nhiệm chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
– Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc trong lĩnh vực pháp luật.
– Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.
Lưu ý: Các giấy tờ này đều là bản sao.
Chính sách mới có hiệu lực 10/8/2021 (Ảnh minh họa)
6 hình thức cung cấp thông tin tình hình thi hành pháp luật
Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 04/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định 32/2020/NĐ-CP…
Theo đó, khoản 4 Điều 6 Thông tư này quy định về các hình thức tổ chức, cá nhân có thể cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gồm:
– Gửi văn bản đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
– Trực tiếp tại trụ sở tiếp công dân;
– Qua Cổng/Trang Thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước;
– Qua số điện thoại của cơ quan nhà nước, đường dây nóng;
– Qua hòm thư điện tử;
– Các hình thức cung cấp thông tin phù hợp khác.
Bên cạnh đó, Điều 10 Thông tư này cũng quy định điều kiện cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học theo dõi tình hình thi hành pháp luật gồm:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kỷ luật, đang chấp hành hình phạt hoặc đang bị quản chế hành chính.
– Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật hoặc đại học chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
– Có trình độ, kinh nghiệm công tác từ 03 năm trở lên trong lĩnh vực chuyên ngành phù hợp vói công việc mà cơ quan theo dõi thi hành pháp luật yêu cầu…
Hai Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/8/2021.
Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.