Cụ thể, theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 55, người dân thực hiện thông báo lưu trú theo 04 cách:
– Tới trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú;
– Qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
– Trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
– Ứng dụng trên thiết bị điện tử.
Trong khi hiện nay, khoản 3 Điều 21 Thông tư 35/2014/TT-BCA chỉ quy định chung về cách thông báo lưu trú của người dân như sau:
“3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng internet, mạng máy tính…”
Việc thông báo lưu trú được áp dụng đối với trường hợp nêu tại khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú 2020: Khi người dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.
Như vậy, từ ngày 01/7/2021, người dân khi tới nơi khác trong thời gian ít hơn 30 ngày phải thực hiện thông báo lưu trú đầy đủ theo một trong các cách trên. Trường hợp ở lại từ 30 ngày trở lên phải thực hiện đăng ký tạm trú (theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020).
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đang áp dụng hiện nay, hành vi không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng.
Tuy nhiên, Bộ Công an hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;…thay thế cho Nghị định 167. Nếu dự thảo này được thông qua trong thời gian tới, trường hợp không thông báo lưu trú có thể bị phạt tiền lên tới 500.000 đồng.
Thông tư này được ban hành ngày 15/5/2021.