Bổ sung trường hợp doanh nghiệp có quan hệ liên kết Update 11/2024

Ngày 05/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết.

Các bên có mối quan hệ liên kết được xác định khi:

– Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia.

– Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

Căn cứ quy định cũ tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP, các trường hợp DN có quan hệ liên kết như sau:

– Một DN nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN kia.

– Cả hai DN đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp.

– Một DN là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của DN kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của DN kia.

– Một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay…

Bổ sung trường hợp doanh nghiệp có quan hệ liên kết (Ảnh minh họa) 

Theo đó, Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp mới các bên DN được xác định là quan hệ liên kết, cụ thể:

DN có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN trong thời kỳ tính thuế. Vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong thời kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát DN được xác định là có giao dịch liên kết.

Nghị định 132/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ 20/12/2020.