- 1/ Một đơn vị sự nghiệp công lập được cung ứng nhiều dịch vụ cùng loại
- 2/ Người lao động tố cáo không bị trả thù, trù dập
- 3/ 2 trường hợp lập biên bản hoãn tử hình bằng tiêm thuốc độc
- 4/ Điều kiện Tòa án ra quyết định kê biên tài sản đang tranh chấp
- 5/ Báo chí “giật tít câu view” bị phạt đến 10 triệu đồng
- 6/ Thành lập quỹ từ thiện phải có điều lệ hoạt động
- 7/ Quản lý thị trường kiểm tra không cản trở cá nhân kinh doanh
1/ Một đơn vị sự nghiệp công lập được cung ứng nhiều dịch vụ cùng loại
Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Nghị định 120 năm 2020 về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, nguyên tắc được nêu chi tiết trong Nghị định này gồm:
– Đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác; một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại;
– Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trừ trường hợp để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu;
– Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể nhưng không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã được phê duyệt, bảo đảm đúng về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định…
Xem thêm: Thêm điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập
2/ Người lao động tố cáo không bị trả thù, trù dập
Tại Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, người lao động tố cáo được người sử dụng lao động đảm bảo:
– Không bị phân biệt đối xử về việc làm; không bị trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người tố cáo;
– Người sử dụng lao động phải thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp bảo vệ việc làm cho người tố cáo là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền…
Trong đó, người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, thân nhân của người tố cáo bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động…
Chính sách mới có hiệu lực 01/12/2020 (Ảnh minh họa)
3/ 2 trường hợp lập biên bản hoãn tử hình bằng tiêm thuốc độc
Nội dung này dduojc ban hành tại Thông tư liên tịch số 02/2020 về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Theo đó, khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch này nêu rõ:
Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 81 của Luật Thi hành án hình sự trong các trường hợp sau:
– Trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan khác không thể thực hiện được việc thi hành án tử hình hoặc trên đường áp giải người bị thi hành án tử hình bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện;
– Trang thiết bị, dụng cụ thi hành án tử hình bị hư hỏng; không xác định được tĩnh mạch; thuốc thi hành án tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng hoặc các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành án tử hình không đáp ứng được.
Khi đó, Hội đồng thi hành án tử hình phải lập biên bản ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm thi hành án; họ, tên, chức vụ của thành viên Hội đồng; lý do hoãn thi hành án.
Biên bản hoãn thi hành án phải được tất cả các thành viên Hội đồng ký, lưu hồ sơ thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu…
4/ Điều kiện Tòa án ra quyết định kê biên tài sản đang tranh chấp
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.
Theo đó, Điều 7 Nghị quyết 02 này quy định, Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp khi có đủ các căn cứ sau đây:
– Tài sản đang tranh chấp là đối tượng của quan hệ tranh chấp mà Tòa án đang thụ lý giải quyết;
– Có tài liệu, chứng cứ chứng minh người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản đó.
Trong đó, Nghị quyết này nêu rõ ví dụ cụ thể của trường hợp trên là:
Có vi bằng của Thừa phát lại xác định việc người giữ tài sản có hành vi đập phá tài sản đang tranh chấp
Xem thêm: 3 trường hợp dùng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi nộp đơn khởi kiện
Nhiều mức phạt vi phạm về hoạt động báo chí có hiệu lực (Ảnh minh họa)
5/ Báo chí “giật tít câu view” bị phạt đến 10 triệu đồng
Mức phạt này được Chính phủ đề cập đến tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Điều 8 Nghị định này quy định, báo chí minh hoạt, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm người đọc hiểu sai nội dung; đăng, phát ảnh của cá nhân không được người đó đồng ý; đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng… thì bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng.
Nếu đăng, phát tin bài, ảnh không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; đăng, phát thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam; Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó… thì bị phạt từ 10 – 30 triệu đồng…
6/ Thành lập quỹ từ thiện phải có điều lệ hoạt động
Hướng dẫn Nghị định số 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện được Bộ Nội vụ ban hành tại Thông tư 4/2020/TT-BNV.
Theo đó, hồ sơ thông báo việc thành lập pháp nhân trực thuộc quỹ gồm:
– Quyết định thành lập pháp nhân (bản chính) và bản sao Giấy phép hoạt động;
– Bản sao các tài liệu: điều lệ hoặc quy chế, quy định về tổ chức, hoạt động của pháp nhân; quyết định bổ nhiệm người đứng đầu pháp nhân.
Trong khi trước đây, Điều 3 Thông tư 02/2013/TT-BNV quy định các nội dung sau:
– Tên pháp nhân;
– Địa chỉ trụ sở chính của pháp nhân;
– Phạm vi, lĩnh vực hoạt động của pháp nhân;
– Họ và tên, địa chỉ thường trú của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
– Quyết định thành lập pháp nhân (bản chính);
– Bản sao các tài liệu: Quy chế hoặc quy định về tổ chức, hoạt động của pháp nhân; quyết định bổ nhiệm người đứng đầu pháp nhân; giấy phép hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (nếu có).
Như vậy, Thông tư mới đã bổ sung thêm các loại giấy tờ gồm bản sao Giấy phép hoạt động, điều lệ và không còn bắt buộc có các nội dung: Tên, địa chỉ trụ sở chính, phạm vi, lĩnh vực hoạt động pháp nhân….
7/ Quản lý thị trường kiểm tra không cản trở cá nhân kinh doanh
Một trong những nguyên tắc hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ được Bộ Công Thương nêu tại Thông tư 27/2020/TT-BCT.
Cụ thể, Điều 3 Thông tư này nêu rõ các nguyên tắc hoạt động của quản lý thị trường gồm:
– Có căn cứ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời, không phân biệt đối xử, không làm cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
– Tuân thủ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Quản lý thị trường và quy định tại Thông tư này;
– Việc ứng dụng công nghệ thông tin khi kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phải bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm và có hiệu quả.
Toàn bộ các chính sách này đều có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.