Chính sách mới có hiệu lực hôm nay (15/5/2021) Update 11/2024

Nhiều quy định mới sẽ chính thức được áp dụng từ ngày hôm nay – ngày 15/5/2021 như bảo hiểm xã hội, hải quan, giáo dục đào tạo…

1/ Tăng mức hỗ trợ học nghề với người đóng Bảo hiểm thất nghiệp

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg về mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, khoản 1 Điều 3 Quyết định này quy định cụ thể về mức hỗ trợ học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gồm:

– Người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

– Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, theo Quyết định 77/2014/QĐ-TTg sẽ hết hiệu lực từ ngày 15/5/2021, mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/người/tháng không phụ thuộc thời gian đào tạo.

Thời gian tham gia khóa đào tạo nghề được hướng dẫn như sau: Có những ngày lẻ không đủ tháng thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc, từ 14 ngày trở xuống là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng…

2/ Điều kiện nhận thế chấp sổ đỏ của cá nhân

Điều 35 Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong đó có nêu điều kiện nhận thế chấp của cá nhân.

Cụ thể, việc nhận thế chấp của cá nhân không phải tổ chức tín dụng với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Cá nhân nhận thế chấp phải là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Việc nhận thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan, không trái đạo đức xã hội trong quan hệ hợp đồng về dự án đầu tư, xây dựng, thuê, thuê khoán, dịch vụ, giao dịch khác;

– Nếu nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm trả tiền lãi thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi chưa trả hoặc lãi, lãi suất khác áp dụng không được vượt quá giới hạn thỏa thuận về lãi, lãi suất theo quy định.

– Chỉ xử lý một lần với mỗi hành vi trả nợ không đúng hạn nếu có thỏa thuận về việc xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên có nghĩa vụ và không có quy định khác của pháp luật…


Chính sách mới có hiệu lực 15/5/2021 (Ảnh minh họa)

 

3/ Tem điện tử nhập khẩu mua từ Tổng cục Hải quan

Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá được Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 23/2021/TT-BTC.

Cụ thể, Điều 4 Nguyên tắc quản lý, sử dụng tem điện tử tại Thông tư này nêu rõ:

Tổng cục Hải quan thực hiện in, phát hành tem điện tử thuốc lá nhập khẩu, tem điện tử rượu nhập khẩu và thực hiện bán tem điện tử thuốc lá nhập khẩu, tem điện tử rượu nhập khẩu cho các doanh nghiệp, tổ chức được phép nhập khẩu sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu hoặc được mua hàng tịch thu, bán đấu giá của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức được phép nhập khẩu sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu hoặc được mua hàng tịch thu, bán đấu giá của cơ quan có thẩm quyền sẽ mua tem điện tử thuốc lá nhập khẩu, tem điện tử rượu nhập khẩu của Tổng cục Hải quan.

4/ Phụ huynh được giám sát hoạt động của nhà trường

Nội dung này được Chính phủ quy định tại Điều 15 Nghị định số 24/2021/NĐ-CP về quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Theo đó, Điều 15 Nghị định này quy định về trách nhiệm của gia đình trong đó có giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.

Đồng thời, gia đình còn được:

– Tham gia góp ý mục tiêu giáo dục và kế hoạch giáo dục của nhà trường của cơ sở giáo dục thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

– Tham gia góp ý nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục về các biện pháp giáo dục, khen thưởng, kỷ luật học sinh; nắm bắt tình hình và kết quả hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy học học sinh để phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc quản lý, giáo dục học sinh…

 

5/ Bổ sung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân

Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Nghị định này đã bổ sung thêm một số tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân như sau:

– Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp có thể được cộng dồn cho đủ 20 năm trở lên (trước đây chỉ quy định từ 20 năm trở lên); riêng múa, xiếc thì có thể được cộng dồn từ 15 năm trở lên (trước đây chỉ quy định thời gian liên tục từ 15 năm trở lên).

– Đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và sau đó có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia, trong đó có 01 giải Vàng của cá nhân hoặc ít nhất 03 giải Vàng quốc gia nếu không có 01 giải Vàng là của cá nhân (trước đây chỉ yêu cầu có ít nhất 02 giải vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú)…

 

6/ 4 trường hợp tạm đình chỉ việc quay số mở thưởng

Đây là nội dung đáng chú ý được nêu tại Thông tư số 22/2021/TT-BTC về thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của Hội đồng giám sát xổ số.

Cụ thể, điểm c khoản 2 Điều 10 Thông tư này quy định về quyền hạn của Hội đồng giám sát xổ xố là tạm đình chỉ việc quay số mở thưởng trong các trường hợp:

– Thiết bị sử dụng cho việc quay số mở thưởng bị tháo niêm phong trước khi Hội đồng giám sát xổ số làm việc;

– Thiết bị không đáp ứng được yêu cầu tạo lập tính khách quan, trung thực của kết quả mở thưởng;

– Tổ chức mở thưởng không đúng lịch mở thưởng (ngày, giờ) và địa điểm mở thưởng như đã thông báo của Công ty xổ số kiến thiết;

– Có biểu hiện gian lận khi tổ chức quay số mở thưởng.

Những chính sách này có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

>> Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 5/2021