Thông tư về hồ sơ nuôi con nuôi và xếp lương viên chức quản lý bảo vệ rừng sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay – ngày 26/02/2021.
1/ Viên chức khuyến nông, bảo vệ rừng có hệ số lương cao nhất là 6,38
Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng được quy định tại Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT.
Theo đó, các đối tượng viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng được xếp lương theo hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này như sau:
– Khuyến nông viên chính, quản lý bảo vệ rừng viên chính: Có hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 từ 4,0 – 6,38.
– Khuyến nông viên, quản lý bảo vệ rừng viên: Có hệ số lương của viên chức loại A1 từ 2,34 – 4,98.
– Kỹ thuật viên khuyến nông, kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng: Có hệ số lương của viên chức loại B từ 1,86 – 4,06.
Cụ thể theo bảng dưới đây:
Chính sách mới có hiệu lực 26/02/2021 (Ảnh minh họa)
2/ Không cấp giấy tờ nuôi con nuôi đã bị sửa chữa cho người dân
Việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi được Bộ Tư pháp hướng dẫn tại Thông tư số 10/2020/TT-BTP.
Cụ thể, khoản 1 Điều 6 Thông tư này quy định về sửa chữa sai sót khi ghi sổ đăng ký nuôi con nuôi và giấy tờ nuôi con nuôi nêu rõ:
Trong quá trình đăng ký nuôi con nuôi, nếu có sai sót trên giấy tờ nuôi con nuôi thì người làm công tác đăng ký nuôi con nuôi phải hủy bỏ giấy tờ đó và ghi giấy tờ mới, không cấp cho người dân giấy tờ nuôi con nuôi đã bị sửa chữa.
Theo đó, nếu có sai sót trong quá trình đăng ký nuôi con nuôi thì phải gạch ngang phần sai sót, ghi sang bên cạnh hoặc lên phía trên, không được chữa đè lên chữ cũ, không được tẩy xóa và viết đè lên chỗ đã tẩy xóa.
Riêng sai sót bỏ trống trang sổ thì phải gạch chéo trang bỏ trống. Và ghi rõ nội dung sửa chữa sai sót; ngày, tháng, năm sửa; người làm công tác đăng ký nuôi con nuôi ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên trong cột ghi chú của sổ đăng ký nuôi con nuôi.
Đặc biệt, người làm công tác đăng ký nuôi con nuôi không được tự ý tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung làm sai lệch nội dung đã ghi trong giấy tờ nuôi con nuôi và sổ đăng ký nuôi con nuôi.
Đồng thời, thực hiện cải chính trong trường hợp nếu phát hiện có sai sót thông tin trong sổ hoặc giấy tờ nuôi con nuôi do lỗi của người đi đăng ký nuôi con nuôi hoặc của cơ quan đăng ký nuôi con nuôi sau khi kết thúc quá trình đăng ký nuôi con nuôi.