Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 9/2020 Update 11/2024

Bước sang tháng 09 năm 2020, nhiều quy định pháp luật mới sẽ chính thức có hiệu lực. Có thể kể đến như tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình; Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt; “Trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”…

Tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình

Tại Nghị định 82 có hiệu lực từ ngày 01/9, Chính phủ quy định vi phạm một trong các hành vi sau sẽ phạt từ 03 – 05 triệu đồng:

– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…

Trong khi đó, tại Nghị định 110 trước đây các hành vi nêu trên chỉ bị phạt từ 01 – 03 triệu đồng.

 

Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt

Đây cũng là một nội dung đáng chú ý khác tại Nghị định 82.

Theo đó, trước đây, bố, mẹ đăng ký khai sinh cho con không đúng thời hạn quy định (tức là trong vòng 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra) sẽ bị phạt cảnh cáo.

Tuy nhiên, theo Nghị định 82 có hiệu lực vào đầu tháng 09 thì quy định này đã bị bãi bỏ.

Ngoài ra, Nghị định 82 cũng tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như:

– Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh: phạt từ 01 – 03 triệu đồng;

– Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh: phạt từ 03 – 05 triệu đồng.
 

Nhiều chính sách mới có hiệu lực tháng 9/2020
Nhiều chính sách mới có hiệu lực tháng 9/2020 (Ảnh minh họa)
 

Quy định mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên

Tại Nghị định 84 cũng có hiệu lực từ ngày 01/09/2020, Chính phủ đã có hướng dẫn mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên các cấp.

Cụ thể, giáo viên mầm non, giáo viên các cấp phổ thông, trường chuyên biệt được nghỉ hè 08 tuần bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Giáo viên trường trung cấp và giảng viên cao đẳng được nghỉ hè 06 tuần gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Riêng trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.

Bảo vệ vị trí công tác cán bộ, công chức là người tố cáo

Theo Thông tư 03 của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 05/9/2020, cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo sẽ được bảo vệ vị trí công tác.

Cụ thể, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp:

– Được sự đồng ý của người đó                                      

– Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác;

– Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
 

Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần

Nội dung này được quy định tại Nghị định 88 có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.

Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp, tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động khám, sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám.

(Theo quy định cũ, mức hỗ trợ vẫn bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám).
 

“Trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”

Trước đây, năm 2010, tại Thông tư 05, Bộ Giao thông Vận tải đã đặt tên cho nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ.

Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải lại ban hành ra Thông tư 49, thay thế Thông tư 05. Trong đó đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá.

Từ ngày 15/9/2020, Thông tư 15 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 49 nêu trên. Theo quy định của Thông tư này, trạm thu giá sẽ được trở về với cái tên ban đầu của nó, là trạm thu phí.

Cũng theo Thông tư này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm.

Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh….