Tại Nghị định 79/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Quy định về chế độ tiền lương khi đào tạo sĩ quan dự bị (Ảnh minh họa)
Chế độ tiền lương và phụ cấp, trợ cấp trong thời gian đào tạo sĩ quan dự bị được xác định như sau:
– Cán bộ, công chức, viên chức, hạ sĩ quan dự bị thuộc diện đang lao động, học tập, làm việc trong các cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước: được cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, học tập, làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phụ cấp đi đường, tiền tàu xe theo quy định hiện hành;
– Quân nhân chuyên nghiệp khi thôi phục vụ tại ngũ được cử đi đào tạo sĩ quan dự bị: được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ;
– Hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ được cử đi đào tạo sĩ quan dự bị: được hưởng phụ cấp và các chế độ, chính sách như đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ; hết thời gian đào tạo sĩ quan dự bị được xuất ngũ;
– Hạ sĩ quan dự bị không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước: hằng tháng được hưởng phụ cấp theo cấp bậc quân hàm trong 02 năm đầu của hạ sĩ quan tại ngũ có cùng cấp bậc quân hàm;
– Những người tốt nghiệp đại học trở lên không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; sinh viên khi tốt nghiệp đại học: hằng tháng được hưởng phụ cấp bằng mức phụ cấp quân hàm của cấp thượng sĩ.
– Hạ sĩ quan dự bị không hưởng lương từ ngân sách, người tốt nghiệp đại học trở lên không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, sinh viên khi tốt nghiệp đại học: được thanh toán tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ; thời gian hưởng phụ cấp theo cấp bậc quân hàm là thời gian đào tạo của từng đối tượng;
– Học viên khi tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, ngoài tiền lương, phụ cấp hiện hưởng, được hưởng thêm một tháng tiền lương theo cấp bậc quân hàm sĩ quan dự bị được phong (không phải trừ tiền ăn, phụ cấp quân hàm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng đó).