Công dân được dùng thông tin về BHXH của mình trên CSDLQG Update 11/2024

Nội dung này được quy định tại Nghị định 43/2021/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm do Chính phủ ban hành ngày 31/3/2021.

Theo đó, Điều 10 Nghị định này quy định về các đối tượng khai thác, sử dụng dữ liệu trên CSDLQG về bảo hiểm xã hội (BHXH) như sau:

Cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định này, cá nhân được quyền khai thác và sử dụng thông tin của mình cũng như của người khác trên CSDLQG về bảo hiểm nếu được người đó đồng ý.


Công dân được dùng thông tin về BHXH trên CSDLQG (Ảnh minh họa)

Trong đó, các thông tin về bảo hiểm trong CSDLQG gồm:

– Dữ liệu cơ bản cá nhân bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; dân tộc; quốc tịch; nơi đăng ký khai sinh; quê quán, nơi thường trú; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;

– Thông tin liên hệ của công dân;

– Nhóm thông tin về hộ gia đình: Mã hộ gia đình; địa chỉ; danh sách các thành viên trong hộ gia đình;

– Nhóm thông tin về BHXH: Mã số BHXH; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan BHXH quản lý; loại đối tượng BHXH; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mã số thuế;

– Nhóm thông tin về bảo hiểm y tế: Mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 05 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng;

– Nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp: Quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Nghị định này chính thức có hiệu lực từ 01/6/2021.