Dân quân tự vệ phải chấp hành kỷ luật khi chưa được giải quyết khiếu nại Update 11/2024

Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ Quốc phòng quy định tại Thông tư 75 năm 2020 về việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời gian và thẩm quyền kỷ luật Dân quân tự vệ.

Theo đó, khi Dân quân tự vệ vi phạm, đã bị kỷ luật nhưng không đồng ý với quyết định kỷ luật thì có quyền khiếu nại đến cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi chưa được giải quyết, người vi phạm phải chấp hành nghiêm quyết định hiện hành.

Dân quân tự vệ phải chấp hành kỷ luật khi chưa giải quyết khiếu nại
Dân quân tự vệ phải chấp hành kỷ luật khi chưa giải quyết khiếu nại (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, khi nhận được khiếu nại của người vi phạm kỷ luật, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét trả lời đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thông tư này cũng nêu rõ, khi vi phạm quy định, Dân quân tự vệ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

– Chiến sĩ Dân quân tự vệ: Khiển trách, cảnh cáo, tước danh hiệu Dân quân tự vệ (theo quy định hiện nay tại Thông tư 89 năm 2010, hình thức kỷ luật này là tước danh hiệu Dân quân tự vệ nòng cốt);

– Chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, tước danh hiệu Dân quân tự vệ (bổ sung hình thức tước danh hiệu Dân quân tự vệ so với quy định tại Thông tư 89 năm 2010 hiện đang có hiệu lực).

Thông tư này được ban hành ngày 19/6/2020 và có hiệu lực kể từ ngày 05/8/2020.