Đến 2025, 80% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng Update 11/2024

Đây là một trong những mục tiêu được Chính phủ đặt ra tại Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ đặt ra các mục tiêu cụ thể như sau:

– Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP.

– Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%.

– Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

– Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.

Đến 2025, 80% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng (Ảnh minh họa)

 

– Tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt:

+ Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 – 25%/năm;

+ Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 – 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 – 100%/năm;

+ Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 – 40%/năm;

+ Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

– Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công:

+ Từ 90 – 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90 – 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Quốc gia;

+ 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt;

+ 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bản đồ thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đề án này sẽ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tổ chức triển khai, theo dõi thực hiện các giải pháp trong Đề án, hằng năm tổng hợp tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng kết vào cuối năm 2025.

Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.