Được tự nghỉ việc nếu bị quấy rối tình dục khi làm việc ở nước ngoài Update 11/2024

Nội dung này được Quốc hội thông qua tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 năm 2020 với nhiều quy định bảo vệ quyền lợi người lao động.

quyen loi cua nguoi di xuat khau lao dong
Thêm nhiều quyền lợi của người đi xuất khẩu lao động từ 2022 (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Điều 6 Luật này bổ sung thêm nhiều quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng so với quy định cũ tại Luật năm 2006 như:

– Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

– Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần;

– Được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện.

– Ngoài việc được quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thì còn được hưởng chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm.

Đồng thời với quyền lợi thì người lao động đi xuất khẩu lao động còn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Trong đó, có thể kể đến một số nghĩa vụ mới được bổ sung như: Nộp tiền dịch vụ, thực hiện ký quỹ; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú trong 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.