Không ký phụ lục để kéo dài thời hạn hợp đồng lao động từ 2021 Update 11/2024

Nội dung đáng chú ý này được quy định tại Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 năm 2019 do Quốc hội ban hành ngày 20/11/2019 và có hiệu lực từ 01/01/2021.

Theo Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2019, phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, hiện nay quy định này lại được nêu tại khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2012 như sau:

Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động

Có thể thấy, theo quy định trên, từ 01/01/2021 khi Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực thì phụ lục hợp đồng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động. Đồng nghĩa với đó là không ký phụ lục để kéo dài hoặc rút ngắn thời hạn hợp đồng lao động.

Không ký phụ lục để kéo dài thời hạn hợp đồng lao động từ 2021
Không ký phụ lục để kéo dài thời hạn hợp đồng lao động từ 2021 (Ảnh minh họa)

Những quy định khác về phụ lục hợp đồng lao động tại Bộ luật Lao động 2019 đều kế thừa từ Bộ luật Lao động 2012:

– Phụ lục lao động quy định chi tiết điều, khoản của hợp đồng lao động dẫn đến cách hiểu sai của hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động;

– Phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung điều, khoản của hợp đồng lao động thì ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.