Lao động cao tuổi có thể không được rút ngắn thời giờ làm việc Update 11/2024

Nội dung mới đáng chú ý này được Quốc hội thông qua tại Bộ luật Lao động số 45 năm 2019 ngày 20/11/2019, chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 166 Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

​Lao động cao tuổi có thể không được rút ngắn thời giờ làm việc
Lao động cao tuổi có thể không được rút ngắn thời giờ làm việc (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, đến Bộ luật Lao động năm 2019, Quốc hội đã sửa đổi quy định này như sau:

Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian

Trong đó, người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu.

Theo quy định mới này, việc được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian không còn là “đặc quyền” của người lao động cao tuổi nữa mà được áp dụng theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Do đó, từ ngày 01/01/2021, khi Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực, người lao động cao tuổi có thể không còn được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian nữa.

Không chỉ vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng bãi bỏ quy định về việc rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc làm việc không trọn thời gian trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu của người lao động.