Mới: Hướng dẫn về việc nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô Update 11/2024

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

Theo đó, Nghị quyết đã giải thích một số khái niệm sử dụng trong xét xử tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ nêu tại Bộ luật Hình sự hiện nay. Trong đó có chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ.

Cụ thể, đây là trường hợp người phạm tội đã nộp lại ít nhất ¾ tài sản nhận hối lộ sau khi phạm tội.


Mới: Hướng dẫn về việc nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô (Ảnh minh họa)

Đồng thời, cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ nếu sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc những đối tượng này nộp lại ít nhất ¾ tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.

Trong trường hợp cùng một vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ và tội khác nhưng đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là có tình tiết nêu trên trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác.

Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 04 tỷ đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 02 tỷ đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã bán nhà, đất là tài sản riêng của mình để nộp lại số tiền 03 tỷ đồng thay cho A thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô.

Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP được ban hành ngày 30/12/2021 và có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.