Ngày 27/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo.
Căn cứ Điều 4 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, khi sử dụng pháo hoa, cơ quan, tổ chức, cá nhân cần tuân thủ các nguyên tắc:
– Việc quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định và bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường.
– Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo khi không còn nhu cầu, hết hạn sử dụng, không còn khả năng sử dụng phải được tiêu hủy theo quy định.
– Việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm đúng trình tự, an toàn, bảo vệ môi trường và theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tại Điều 7 Nghị định này, việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo được quy định như sau:
Việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, làm mất hoàn toàn tính năng, tác dụng, không thể khôi phục lại trạng thái ban đầu, phải tuân thủ đúng quy trình, quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lưu ý: Địa điểm tiêu hủy phải biệt lập, cách xa nơi dân cư, công trình công cộng và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Phương pháp tiêu hủy pháo hoa dựa theo chủng loại, đặc tính, cụ thể:
– Đối với các loại pháo, vỏ bằng vật liệu không chịu nước thì phải tháo bỏ hộp, giấy bảo quản, sau đó ngâm vào nước cho đến khi vỏ và thành phẩm tách rời nhau. Tiến hành vớt các vật liệu bằng giấy, bìa, cặn không tan trong nước để riêng, đem phơi khô và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp…
– Đối với các loại pháo vỏ bằng vật liệu chịu nước thì phải tháo bỏ tách riêng phần vỏ và thuốc pháo…
Đây là quy định mới không có ở Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/04/2009 về quản lý, sử dụng pháo.
Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/01/2021.