Ngày 22/5/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của các chính sách liên quan đến giáo viên và mức thu phí trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
1/ Cử nhân 5 ngành sau có thể trở thành giáo viên tiểu học
Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học.
Theo đó, khoản 1 Mục II Chương trình ban hành kèm Thông tư này nêu rõ:
Những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học (Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ)
Như vậy, sinh viên tốt nghiệp bằng cử nhân chuyên ngành âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, ngoại ngữ nếu có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học thì có thể học chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Trong đó, khối lượng chương trình gồm 35 tín chỉ, gồm phần bắt buộc có 31 tín chỉ; phần tự chọn có 04 tín chỉ; 01 tín chỉ tương đương 15 tiết lý thuyết; 01 tiết lý thuyết tương đương với 02 tiết thảo luận, thực hành…
Xem thêm: Điều kiện cơ sở được tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm
2/ Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm THCS gồm 34 tín chỉ
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở (THCS).
Những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS thì được học chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định tại Thông tư này.
Theo đó, chương trình gồm khối học phần chung và khối học phần nhánh dành cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với các môn học cấp THCS, có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS:
– Khối học phần chung: 17 tín chỉ gồm 15 tín chỉ bắt buộc và 02 tín chỉ tự chọn.
– Khối học phần nhánh: 17 tín chỉ nhánh THCS gồm 09 tín chỉ lựa chọn theo môn học, 06 tín chỉ thực hành, thực tập bắt buộc ở trường phổ thông và 02 tín chỉ tự chọn.
Chính sách mới có hiệu lực 22/5/2021 (Ảnh minh họa)
3/ Trình độ chuẩn của giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên
Đây là nội dung tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT.
Theo đó, Điều 20 Thông tư này quy định cụ thể về tiêu chuẩn, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên giảng dạy các chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông gồm:
– Đạt trình độ chuẩn được đào tạo và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định như giáo viên phổ thông tương ứng với từng cấp học;
– Giáo viên tham gia giảng dạy các chương trình giáo dục, đào tạo để lấy chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân phải đảm bảo các điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
– Giáo viên tham gia giảng dạy các chương trình giáo dục khác của Trung tâm phải đảm bảo các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ do giám đốc Trung tâm quy định.
4/ 3 trường hợp được miễn lệ phí cấp hộ chiếu
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam được quy định tại Thông tư 25/2021/TT-BTC.
Theo đó, khoản 2 Điều 5 Thông tư này quy định miễn lệ phí cấp hộ chiếu đối với:
– Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu;
– Người Việt Nam ở nước ngoài phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu;
– Những trường hợp vì lý do nhân đạo.
Giấy tờ trong những trường hợp này sẽ được đóng dấu “Miễn thu lệ phí” (GRATIS).
Những chính sách này có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.