1/ Không cần thẻ BHYT giấy khi khám, chữa bệnh
Đây nội dung nêu tại Công văn số 1493/BHXH-CSYT về việc sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/6/2021, người dân trên toàn quốc sẽ được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.
Song song với đó, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ sử dụng đầu đọc để quét mã QR Code hoặc ghi trực tiếp số the BHYT trên ứng dụng VssID (trường hợp này chỉ áp dụng với cơ sở khám, chữa bệnh không có đầu đọc).
2/ Sắp tới, không phải cung cấp nhiều hồ sơ, giấy tờ về bảo hiểm
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm.
Theo đó, khoản 3 Điều 11 Nghị định này nêu rõ:
Cơ quan, tổ chức không được yêu cầu cá nhân cung cấp các giấy tờ liên quan nếu đã khai thác được thông tin của cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.
Ngoài ra, khoản 6 Điều 21 Nghị định này cũng nêu rõ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm rà soát các quy định, thủ tục trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế để đơn giản hóa giấy tờ cá nhân trên cơ sở sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.
Như vậy, có thể thấy, sắp tới công dân sẽ được giảm bớt hồ sơ, giấy tờ đã được khai thác trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cũng như sẽ được đơn giản hóa giấy tờ hơn.
Đồng thời, thông qua Cơ sở dữ liệu này, cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình cũng như của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định.
Xem thêm: Công dân được dùng thông tin về BHXH của mình trên cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm
Chính sách mới có hiệu lực 01/6/2021 (Ảnh minh họa)
3/ Ăn mặc hở hang tại lễ hội, phạt đến 500.000 đồng
Nội dung này được quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 14 Nghị định này quy định, người mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng.
Ngoài ra, đây cũng là mức phạt với các hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội:
– Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định;
– Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội.
Xem thêm: Các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo và mức phạt
4/ Điều kiện công nhận văn bằng do các trường nước ngoài cấp
Điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT.
Theo đó, văn bằng do trường nước ngoài cấp được công nhận khi chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong hai điều kiện:
– Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo;
– Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
5/ Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo cơ chế tự chủ
Đây là nội dung được Chính phủ nêu tại Nghị định số 23/2021/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Theo đó, Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Đồng thời, Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, Trung tâm giới thiệu việc làm có ít nhất 15 người làm việc là viên chức. Lãnh đạo của trung tâm dịch vụ việc làm gồm Giám đốc và các Phó Giám đốc. Số lượng Phó Giám đốc thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, tên của Trung tâm dịch vụ việc làm phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Bao gồm “Trung tâm dịch vụ việc làm” kèm theo tên địa phương hoặc tên khác do cơ quan quyết định thành lập đề xuất;
– Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
– Không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của đơn vị khác đã được thành lập trước đó…
Những chính sách này đều có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.