Từ 01/7/2021, được ký thỏa thuận quốc tế với cá nhân nước ngoài Update 11/2024

Đây là nội dung mới đáng chú ý được thông qua tại Luật Thỏa thuận quốc tế sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Khoản 4 Điều 2 Luật này quy định, bên ký kết nước ngoài bao gồm Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế hiện đang quy định, bên ký kết nước ngoài là Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao, Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan tương đương; chính quyền địa phương; tổ chức nước ngoài.


Từ 01/7/2021, được ký thỏa thuận quốc tế với cá nhân nước ngoài (Ảnh minh họa)

Như vậy, từ ngày 01/7/2021, bên ký kết nước ngoài đã có sự thay đổi đáng kể:

– Bổ sung đối tượng: Nhà nước, cá nhân nước ngoài, cơ quan, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, tổ chức quốc tế.

– Bỏ đi một số đối tượng như: Cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao, Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan tương đương.

Ngoài ra, so với Pháp lệnh, Điều 6 Luật Thỏa thuận quốc tế còn bổ sung thêm nhiều tên gọi khác của thỏa thuận quốc tế gồm: Thông cáo, tuyên bố, ý định thư, bản ghi nhớ bên cạnh những tên gọi như hiện nay gồm thỏa thuận, biên bản thỏa thuận, biên bản trao đổi, chương trình hợp tác, kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác.

Đặc biệt, những tên gọi này phải trừ tên gọi đặc thù của điều ước quốc tế bao gồm công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định.