Ngày 01/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Theo đó, một trong những điểm đáng chú ý chính là vấn đề xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu.
Cụ thể tại Điều 9 Nghị định số 102 năm 2020 có nêu rõ:
– Đối tượng cần xác nhận là lô hàng gỗ xuất khẩu của chủ gỗ không phải là doanh nghiệp Nhóm I (khoản 1 Điều 12 Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định về doanh nghiệp Nhóm I). Lô hàng gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước xuất khẩu sang thị trường ngoài châu Âu thì không cần xác nhận.
– Khi kiểm tra lô hàng xuất khẩu, cơ quan Kiểm lâm tại địa phương nơi cất giữ lô hàng theo đề nghị của chủ gỗ kiểm tra thực tế 20% lô hàng gỗ.
– Nếu trường hợp có thông tin vi phạm thì công chức Kiểm lâm báo cáo, đề xuất thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm tại địa phương quyết định tăng tỷ lệ kiểm tra và gia hạn thời gian kiểm tra (tối đa không quá 02 ngày).
Cần kiểm tra thực tế lô hàng gỗ trước khi xuất khẩu
Ngoài ra, các chủ gỗ có nhu cầu mua bán, chuyển giao quyền sở hữu gỗ nhập khẩu cần nắm được quy định về hồ sơ tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP như sau:
– Trường hợp 1
Chủ gỗ nhập khẩu bán toàn bộ hoặc một phần lô hàng gỗ nhập khẩu cho một hay nhiều chủ gỗ khác: Chủ gỗ nhập khẩu lập bảng kê gỗ trích từ bảng kê gỗ nhập khẩu, sao chép hồ sơ gỗ nhập khẩu và ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) giao cho chủ gỗ mua và lưu hồ sơ gốc gỗ nhập khẩu.
– Trường hợp 2
Chủ gỗ mua tại trường hợp 1, bán toàn bộ hoặc một phần lô hàng gỗ nhập khẩu cho chủ gỗ khác: Chủ gỗ bán lập bảng kê gỗ trích từ bảng kê mua trước đó, sao hồ sơ gỗ nhập khẩu và ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) giao cho chủ gỗ mua và lưu giữ bản sao.
– Trường hợp 3
Bán gỗ nhập khẩu cho chủ gỗ tiếp theo: Chủ gỗ bán thực hiện theo quy định tại trường hợp 2.
– Trường hợp 4
Chuyển giao quyền sở hữu bằng các hình thức khác: Thực hiện theo các trường hợp nêu trên.
Nghị định 102/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2020.