Hôm nay là ngày chính thức có hiệu lực của Quyết định ban hành mẫu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cùng với rất nhiều chính sách khác liên quan đến y tế, tài chính…
1/ Cả nước sử dụng mẫu thẻ BHYT mới
Mẫu thẻ BHYT mới đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành tại Quyết định số 1666/QĐ-BHXH.
Theo đó, thẻ BHYT mới mặc dù tương tự như thẻ BHYT hiện nay nhưng nhỏ gọn hơn, dễ dàng mang theo. Đồng thời, thẻ mới có thể ép plastic, không lo nhàu nát, hỏng thẻ; mã thẻ cũng ngắn gọn hơn, chỉ gồm 10 ký tự thay vì 15 ký tự như trước đây.
Đặc biệt, mẫu thẻ BHYT mới có hướng dẫn kiểm tra chi phí khám chữa bệnh ở phần thông tin in trên mặt sau của thẻ.
Đáng chú ý: Trong thời gian chờ đổi thẻ BHYT mới thì thẻ cũ đã cấp cho người tham gia mà còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám chữa bệnh BHYT.
2/ Giám định trẻ dưới 15 tuổi bị ngược đãi, gia đình phải chứng kiến
Đây là yêu cầu nêu tại Quyết định 5609/QĐ-BYT ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y với trẻ bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y với trẻ bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập.
Theo đó, khi phân công cán bộ chuyên môn giám định cho trẻ (cả nữ và nam) bị xâm hại tình dục hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục thì nhân viên y tế tham gia hoặc chứng kiến giám định phải là người cùng giới. Riêng trẻ dưới 15 tuổi thì phải đề nghị đại diện gia đình hoặc người gám hộ chứng kiến.
Đây cũng là quy định áp dụng với giám định cho trẻ em (cả nữ và nam) bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập.
Chính sách mới có hiệu lực 01/4/2021 (Ảnh minh họa)
3/ Được cấp GCN quyền sử dụng mã vạch online
Việc sử dụng mã số, mã vạch được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tại Thông tư 10/2020/TT-BKHCN.
Theo đó, khoản 1 Điều 7 Thông tư này nêu rõ:
Tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ Khoa học và Công nghệ
Trong đó, hồ sơ đăng ký cấp mới giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng mã số, mã vạch gồm:
– Biểu mẫu điện tử kê khai thông tin đăng ký có chữ ký số.
– Bản sao điện tử Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương.
4/ 2 hình thức kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTC hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán.
Theo đó, hoạt động dịch vụ kế toán được kiểm tra theo 02 hình thức gồm:
– Kiểm tra gián tiếp: Cơ quan chủ trì kiểm tra thực hiện giám sát tình hình đối tượng được kiểm tra tuân thủ các nghĩa vụ thông báo, nộp các báo cáo định kỳ cho Bộ Tài chính khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.
– Kiểm tra trực tiếp: Là việc cơ quan chủ trì kiểm tra thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán gồm: Kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.
5/ 6 loại kỳ hạn mua lại trái phiếu Chính phủ của kho bạc Nhà nước
Giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 107/2020/TT-BTC.
Theo đó, khoản 1 Điều 6 Thông tư này nêu rõ:
Kỳ hạn mua lại trái phiếu Chính phủ của kho bạc Nhà nước bao gồm: kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng.
Trong đó, căn cứ tình hình thị trường, Kho bạc Nhà nước quyết định kỳ hạn mua lại cụ thể với từng giao dịch, phù hợp với phương án điều hành ngân quỹ Nhà nước đã được Bộ Tài chính phê duyệt hàng quý.
Những chính sách này đều có hiệu lực từ ngày 01/4/2021.